Khó kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

17/08/2016 2:45 PM

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì việc lạm dụng kháng sinh cũng trở thành một vấn đề nhức nhối khi khó có thể kiểm soát quy trình chăm sóc, liều lượng sử dụng và thiếu kiến thức về việc sử dụng kháng sinh.

Nhiều nguy hại khi lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Ảnh: Tú Mai

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y Hà Nội cho biết, việc sử dụng kháng sinh quá mức cho phép trong chăn nuôi có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột, gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Đồng thời tạo cơ hội cho vi sinh vật kháng lại thuốc. Nguy hại hơn, việc tồn dư kháng sinh không chỉ làm ảnh hưởng đến vật nuôi mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng do tiêu thụ thực phẩm tồn dư kháng sinh. Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho người tiêu dùng.

Hiện nay, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng ở tốp đầu cả nước. Trong đó,  đàn trâu, bò có trên 170 nghìn con; đàn lợn 1,5 triệu con; đàn gia cầm, thủy cầm hiện có 25 triệu con… Tuy nhiên, do môi trường chăn nuôi hiện vẫn bị ô nhiễm cộng với rất nhiều cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi (787 cửa hàng buôn bán thuốc thú y) và gần 100 công ty sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đóng trên địa bàn nên chủ chăn nuôi vẫn dùng nhiều kháng sinh để phòng bệnh, trong đó chủ yếu là gia cầm từ 1 đến 35 ngày tuổi và lợn từ sơ sinh đến cai sữa.

Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi xuất phát từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng thiếu ý thức và hiểu biết của người chăn nuôi. Khi chăn nuôi nhỏ lẻ thường dẫn đến dịch bệnh, quản lý dịch bệnh khó khăn, vì vậy để chủ động phòng bệnh người dân đã dùng luôn kháng sinh để phòng bệnh và chạy theo lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y vì lợi nhuận nên vẫn tăng cường quảng bá tác dụng của thuốc kháng sinh mà không giới thiệu sâu về những tác hại, cơ chế ảnh hưởng của kháng sinh đến với người dân. Mặt khác, việc quản lý thuốc kháng sinh còn nhiều chồng chéo cộng với các lớp tập huấn, nâng cao trình độ cho người chăn nuôi hiểu sâu về tác hại của kháng sinh còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, để hạn chế và kiểm soát chặt chẽ vấn đề sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và có lộ trình thực hiện rõ ràng. Trước mắt phải tập trung kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời quản lý hoạt động hành nghề thú y, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và các hoạt động kinh doanh, buôn bán, hành nghề thú y theo quy định. Bên cạnh đó cần tổ chức tập huấn phổ biến cho đội ngũ cán bộ thú y màng lưới từ huyện đến thôn bản các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này; tổ chức lấy mẫu kiểm tra nhanh sự tồn dư các chất cấm, các kháng sinh tồn dư tại các lò mổ, lấy mẫu kiểm tra, phân tích các mẫu thức ăn chăn nuôi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn Thành phố.

Hướng dẫn tới hộ chăn nuôi kỹ thuật chăn nuôi, tham mưu các cấp chính quyền đầu tư kinh phí tập huấn cho các hộ chăn nuôi lớn và các chính sách hỗ trợ vaccine phòng bệnh. Đồng thời để người dân yên tâm không lo lắng, không dùng kháng sinh làm liều phòng và dần dần bỏ thói quen dùng kháng sinh để phòng bệnh.

Trong trường hợp gia súc, gia cầm buộc phải dùng kháng sinh, thì người chăn nuôi cần dùng kháng sinh càng sớm càng tốt và nên dùng kháng sinh với liều cao ngay từ đầu, không được dùng liều nhỏ tăng dần để tránh hiện tượng vi khuẩn nhờn thuốc. Đặc biệt, khi dùng kháng sinh phải kết hợp với chẩn đoán bệnh mới đảm bảo an toàn, hiệu quả. Không nên mổ gia súc, gia cầm ngay sau khi dùng kháng sinh, như vậy sẽ không bảo đảm thời gian con vật thải hết lượng thuốc tồn dư trong thịt.

Tú Mai

Top