Khởi sắc của vùng quê Yên Bình

17/07/2018 12:22 PM

(Chinhphu.vn) - 10 năm hợp nhất với Thủ đô, kinh tế xã Yên Bình, huyện Thạch Thất ngày một phát triển, bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa người Mường. Yên Bình còn có những mô hình kinh tế từ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, làm giàu từ chính mảnh đất của mình.

Bộ phận Một cửa của huyện Yên Bình, Thạch Thất. Ảnh: Gia Huy

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa 

Yên Bình là một trong 3 xã miền núi của tỉnh Hòa Bình được chuyển về Hà Nội (cùng với xã Yên Trung, Tiến Xuân) cách đây 10 năm. Ông Nguyễn Giáp Dần, Chủ tịch xã Yên Bình cho biết, thời điểm mới hợp nhất, 3 xã đều gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất gần như không có, hệ thống giao thông trên 90% là đường đất, giao thông bị chia cắt, có thôn không có điện. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu áp dụng khoa học, năng suất, sản lượng không cao. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của xã Yên Bình chỉ đạt 9 triệu đồng người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 14,5%.

Với sự đầu tư có trọng điểm của TP. Hà Nội, cùng với việc lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, đến hết tháng 8/2017, Yên Bình được đầu tư trên 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế, hệ thống đường, điện, nhà văn hóa... 

Theo ông Dần, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ là tiền đề và thúc đẩy cho phát triển kinh tế của xã.

Cùng với các chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế đồng bào dân tộc, Yên Bình đã triển khai hiệu quả việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật, giống, phân bón trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập huấn nuôi ong, dê sinh sản... 

Chủ tịch xã Yên Bình cho biết, năm 2007 tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã là 4%, năm 2016 đã tăng lên 12,5%; đặc biệt, thu nhập đầu người/năm năm 2007 chỉ 9 triệu đồng đến cuối năm 2017 đã tăng lên 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% xuống còn 3,19%. Yên Bình cũng đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn.

Điều đặc biệt là trên địa bàn Yên Bình có 2 dân tộc cùng sinh sống là dân tộc Kinh và dân tộc Mường (chiếm 40% dân số). Để phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, huyện Thạch Thất đã đầu tư cho 10 thôn của xã 13 bộ Cồng chiêng và đến nay 10 thôn của xã đều có đội Cồng chiêng, thường xuyên luyện tập và tổ chức giao lưu với nhau và với các xã trên địa bàn huyện. 

Việc giữ gìn văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Thạch Thất được Chủ tịch huyện Nguyễn Doàn Hoàn cho biết, Thạch Thất có 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 5,2% dân số. Để bảo tồn văn hóa dân tộc Mường, ngay sau khi hợp nhất huyện đã mua các bộ Cồng chiêng tặng 3 xã. Trong vòng 4 tháng sau khi hợp nhất, huyện thành lập ngày hội các dân tộc của 3 xã. Những nỗ lực bảo tồn văn hóa được người dân đón nhận, bảo tồn được giá trị văn hóa người Mường, bỏ được những hủ tục còn được gọi là mê tín dị đoan.

Bà Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên giới thiệu về nhãn hiệu rau sạch Đại Ngàn. Ảnh: Gia Huy

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Những mô hình làm giàu tại Yên Bình có thể thấy trên toàn xã, nhiều hộ dân đã chuyển đổi đất đồi cho thu nhập thấp sang trồng bưởi, thanh long ruột đỏ, cây ăn quả; đẩy mạnh các mô hình rau an toàn, phát triển kinh tế đồi rừng, trang trại chăn nuôi... áp dụng công nghệ cao. Chủ tịch xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết, thu nhập bình quân trên 1ha canh tác hàng năm tại xã đều tăng lên đáng kể, đến nay thu nhập trên 1ha canh tác đạt 187 triệu đồng/năm.

Đến thăm mô hình sản xuất giun quế, lợn rừng, rau hữu cơ mang nhãn hiệu rau sạch Đại Ngàn của trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình, bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại cho biết, mô hình trang trại Hoa Viên là mô hình trang trại chăn nuôi và trồng trọt khép kín theo phương pháp hữu cơ.

Theo bà Kim Hoa, bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2003 đến năm 2008 khi sát nhập về Hà Nội, được sự định hướng và giúp đỡ của chính quyền địa phương, trang trại đã chuyển đổi mô hình thành công ty và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa theo phương pháp hữu cơ.

Trong chăn nuôi, Hoa Viên hiện nuôi gần 1.000 con lợn rừng sinh sản, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 10 nghìn lợn giống và thương phẩm. Trang trại hoàn toàn không sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng hay kích thích tăng trưởng, thức ăn của lợn rừng 80% là rau củ quả được sản xuất ở trang trại, 20% là cám ngô, gạo cũng được trồng từ chính trang trại.

Với sản phẩm lợn rừng, đây là sản phẩm hữu cơ 100%, giá lợn rừng Hoa Viên trên thị trường có giá bán ra là 250 nghìn đồng/kg. Toàn bộ chất thải của chăn nuôi, trang trại dùng để nuôi trùn quế, sau đó dùng bón cho rau hữu cơ.

"Hoa Viên đã chọn đi vào thị trường cao cấp và đến bây giờ chăn nuôi của Hoa Viên mang lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm công ăn việc làm cho hơn 115 lao động", Bà Kim Hoa chia sẻ và cho biết, lao động tại trang trại có mức thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Đối với rau hữu cơ, theo định hướng của huyện, Hoa Viên bắt đầu sản xuất rau hữu cơ từ năm 2013 với thương hiệu rau sạch Đại Ngàn. Thời điểm ban đầu rau sạch đi vào thị trường rất khó khăn do người tiêu dùng chưa tin tưởng sản phẩm rau hữu cơ và chưa có quy chuẩn đánh giá rau hữu cơ. Sau 5 năm, khách hàng đã tìm đến trang trại Hoa Viên và được tận mắt thấy quy trình sản xuất sạch sẽ, bảo đảm an toàn và sản phẩm của Hoa Viên được đón nhận.

Theo bà Hoa, với tín nhiệm của khách hàng tăng lên, hiện nay sản lượng rau hữu cơ của Hoa Viên mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau các loại. Nhãn hiệu Đại Ngàn của Hoa Viên hiện phải đặt mới có và cung cấp cho hơn 30 cửa hàng trong Thành phố, rau được hái lúc 5h sáng và vào nội thành khoảng 9h. Việc sản xuất khép kín của Hoa Viên không chỉ mang lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng mà còn mang lại sức khỏe cho người sản xuất, làm cho đất đai ngày càng màu mỡ.

Gia Huy

Top