Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

15/07/2020 3:34 PM

(Chinhphu.vn) - Trên địa bàn Hà Nội, số ca mắc bệnh tay chân miệng đang gia tăng trong những tuần gần đây. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố là hiện hữu nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban ngành chung tay để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Cần vệ sinh môi trường sinh hoạt sạch sẽ để phòng, chống dịch tay chân miệng. Ảnh: Thiện Tâm.

Ông Nguyễn Thành Luân, Trưởng Phòng Y tế huyện Đông Anh cho biết, tích lũy đến nay trên địa bàn huyện ghi nhận 99 ca mắc tay chân miệng với 12 ổ dịch tại 22/24 xã, thị trấn. Hiện còn 10 ổ dịch đang hoạt động, còn 20 ca đang điều trị tại cơ sở y tế và ngoại trú. Điển hình tại Trường Mầm non Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội từ đầu năm đến nay ghi nhận 6 ca mắc tay chân miệng rải rác tại các lớp học. Ngay khi phát hiện ca bệnh, nhà trường đã cho các em học sinh nghỉ học và tuyên truyền đến các bậc phụ huynh phối hợp chủ động chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh lớp học, đồ chơi của trẻ, đồ dùng học tập, thường xuyên vệ sinh và bảo đảm trong quá trình ăn uống cho trẻ sạch sẽ... 

Để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã đẩy mạnh giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng để người dân nâng cao nhận thức và chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miêng; tăng cường vệ sinh môi trường, sử dụng hóa chất khử khuẩn vệ sinh sạch sẽ tại trường học, tại nhà ở và môi trường xung quanh.

BS. Đào Hữu Thân, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, Bệnh tay chân miệng thường có xu hướng gia tăng vào mùa hè. Hiện chưa có vaccine phòng, chống dịch bệnh nên việc phòng chống lây nhiễm là quan trọng nhất tại cộng đồng. Theo thống kê đến ngày 14/7/2020, lũy tích trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 773 ca mắc tay chân miệng, tăng 2 lần so với cùng kỳ, các ca bệnh rải rác ở các quận/huyện/thị xã trên địa bàn thành phố. Hiện bệnh này chưa có vaccine phòng bệnh. Dự báo số mắc tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền. Đối tượng thường mắc ở lứa tuổi mẫu giáo nên công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học vô cùng quan trọng. Đồng thời, tại cộng đồng người dân cũng chủ động phòng chống dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tại nhà ở, môi trường xung quanh, thực hiện ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Đặc biệt, ăn chín, uống sôi.

Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh ngoài da do nhiễm virus thường gặp ở trẻ em. Bệnh lây lan rất nhanh, chủ yếu qua đường tiêu hóa, trực tiếp qua tiếp xúc giữa người bệnh với người lành hoặc lây lan qua vật dụng có dính chất tiết mũi họng, dịch ở các bọng nước, phân của người bị bệnh. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trường hợp phát hiện trẻ mắc bệnh với các triệu chứng như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày, sau vài ngày xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, điều trị và hướng dẫn phương pháp chăm sóc đúng cách. Đối với trẻ mắc bệnh nhẹ, mức độ 1 (chỉ loét miệng hoặc tổn thương da) không nhất thiết điều trị tại bệnh viện để tránh lây nhiễm mà chỉ cần cách ly, điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. 

Với các trường hợp có biểu hiện bệnh nặng như sốt cao, khó thở… cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị, xử lý kịp thời để phòng tránh biến chứng và có thể tử vong. 

Cần đưa trẻ đi khám khi có biểu hiện để xử trí bệnh kịp thời. Ảnh: Thiện Tâm.

Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly, xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng; chỉ đạo các cơ sở Y tế có kế hoạch đảm bảo thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân tay chân miệng theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các quận, huyện phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, tăng cường vai trò của chính quyền cơ sở, phát huy vai trò của Tổ trưởng Tổ tự quản trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các hộ gia đình, nhất là các hộ có trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở giáo dục tăng cường hướng dẫn giáo viên, học sinh các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trong nhà trường và trong các hộ gia đình.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước của trẻ mắc tay chân miệng; vệ sinh sạch sẽ môi trường, nhà cửa, cầu thang, các vật dụng, đồ chơi... với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường; luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ; tránh tiếp xúc gần như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng... với trẻ em bị bệnh mắc tay châm miệng; theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo.

Thiện Tâm

Top