Không để khan hàng, sốt giá dịp cuối năm

27/10/2020 5:40 PM

(Chinhphu.vn) - Căn cứ nhu cầu cũng như dự báo mức tiêu dùng của nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung đối với các nhóm hàng có nhu cầu tăng trong dịp Tết như các mặt hàng nông sản, xăng dầu, hoa cây cảnh… Đặc biệt, không để tình trạng khan hàng, sốt giá xảy ra.

Doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung đối với các nhóm hàng có nhu cầu tăng trong dịp Tết. Ảnh: Bích Phương

Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, thời điểm cuối năm 2020 và dịp Tết Tân Sửu 2021 nhu cầu hàng hóa, nhất là nhóm hàng thực phẩm sẽ tăng. Hoạt động bán lẻ hàng hóa sẽ tăng vọt, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn Thành phố tăng từ 3% đến 20% tùy theo từng nhóm hàng hóa.

Theo tính toán, nhu cầu hàng hóa phục vụ 3 tháng cuối năm 2020: Gạo khoảng 292.500 tấn, thịt lợn 56.700 tấn, thịt gà 18.900 tấn, thịt bò 18.459 tấn, trứng gia cầm 396 triệu quả, rau củ 315.000 tấn, thủy hải sản 15,75 tấn, thực phẩm chế biến 18,114 tấn, trái cây 156 tấn, bánh mứt kẹo 9 tấn, rượu, bia, nước giải khát 600 triệu lít.

Căn cứ nhu cầu cũng như dự báo mức tiêu dùng của nhân dân, Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung đối với các nhóm hàng có nhu cầu tăng trong dịp Tết như các mặt hàng nông sản (nhu cầu tăng từ 25% đến 30% so với tháng thường), xăng dầu (nhu cầu tăng khoảng 20%), hoa cây cảnh (nhu cầu tăng từ 25% đến 35%). Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm 2021 trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.

Nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, Sở Công Thương  đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức bán hàng tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện ích, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản phẩm thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Tổ chức các điểm bán hàng phục vụ Tết; 12 phiên chợ Việt, khoảng 300 chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi để phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp hỗ trợ các tỉnh, thành phố đưa hàng hóa về bán tại các điểm cố định của thành phố Hà Nội bố trí.

Song song với đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội… để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai để ổn định giá cả, ổn định thị trường hàng hóa thiết yếu cung ứng đầy đủ cho người dân trong trường hợp xảy ra mưa, bão, úng ngập những tháng cuối năm 2020.

Sở cũng sẽ bám sát tình hình diễn biến thực tế, thường xuyên cập nhật và tổ chức triển khai hiệu quả phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn và ứng phó với dịch COVID-19. Theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là mặt hàng có thể mất cân đối cung - cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời tham mưu thành phố, Bộ Công Thương có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo dõi sát diễn biến cung-cầu để chủ động phương án

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, nhiệm vụ trọng tâm của Sở Công Thương trong dịp này là theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường hàng hóa phục vụ Tết để chủ động xây dựng các phương án, hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định giá cả thị trường.

Sở cũng sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân Thủ đô trước, trong và sau Tết; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm. Trong quá trình kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không gây cản trở đến lưu thông hàng hóa và gây phiền hà đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các cơ sở, tổ chức, sản xuất, kinh doanh…

Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, vật tư, nguyên, nhiên liệu một cách hợp lý nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với chất lượng an toàn, giá cả hợp lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân Thủ đô.

Bích Phương

Top