Khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn

21/02/2020 3:35 PM

(Chinhphu.vn) - Tạo điều kiện để các hợp tác xã thuận lợi trong việc vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, hiện Ngân hàng vẫn đang khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng ngân hàng của toàn quốc đạt 8 triệu tỷ đồng, riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 2 triệu tỷ đồng, chiếm 25%. Trên địa bàn Hà Nội chiếm 9% tổng dư nợ cho vay.

Điều này cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên tập trung vốn tín dụng một cách tích cực và nhanh hơn các lĩnh vực khác ở Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành Ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn xác định khu vực kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã (HTX) nói riêng là một trong những đối tượng ưu tiên đầu tư tín dụng với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ.

Ngành Ngân hàng đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đơn giản thủ tục cho vay, tạo điều kiện tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân.

Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55) thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP, trong đó đã nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 41/2010/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn của các đối tượng khách hàng.

Để đáp ứng tốt hơn với yêu cầu thực tế, NHNN cũng đã tham mưu Chính phủ  ban hành nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 25/10/2018, sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Theo đó TCTD được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản; được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ tối đa 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.

Ngoài ra Nghị định 55 và 116 cũng quy định đối với chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như đối với khách hàng trong khu,vùng  nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm bằng 70-80% giá trị của dự án, phương án. Doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

Như vậy, riêng đối với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã có quy định thông thoáng hơn về cơ chế bảo đảm tiền vay. Người dân có thể được vay không có tài sản bảo đảm và chỉ cần nộp cho TCTD giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

Bên cạnh đó NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng. Theo đó mở rộng quy định về mục đích vay vốn và phương thức cho vay (cho vay lưu vụ, cho vay tuần hoàn, cho vay quay vòng) phù hợp với thực tế hoạt động tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay như: bỏ giấy đề nghị vay vốn tại hồ sơ đề nghị vay vốn; đơn giản hóa yêu cầu về phương án sử dụng vốn trong cho vay phục vụ đời sống... đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay.

Theo NHNN chi nhánh TP. Hà Nội, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngoài những giải pháp từ ngành Ngân hàng, bản thân khách hàng cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, SXKD có hiệu quả, chế độ sổ sách kế toán minh bạch, phương án SXKD khả thi; nâng cao trình độ của cán bộ, xã viên HTX cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác… tạo niềm tin để các TCTD yên tâm cấp tín dụng.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện NHNN chi nhánh TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích các TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nông nghiệp phù hợp thực tế, đặc thù của ngành nông nghiệp; rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục hồ sơ cấp tín dụng, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay và trên cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm, khả năng trả nợ của khách hàng tăng khả năng cho vay tín chấp; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội để tuyên truyền, triển khai thực hiện.

Minh Anh

Top