Kích cầu nội địa: ‘Đòn bảy’ tăng trưởng kinh tế

23/10/2020 3:48 PM

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 đã khiến sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. Để kích cầu tiêu dùng, tạo “đòn bảy’ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô, ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, kết nối cung - cầu, Tuần hàng hàng Việt, Hội chợ hàng Việt... trên địa bàn Thành phố.

Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan. Ảnh: Thùy Linh

Để làm rõ hơn về các chương trình kích cầu tiêu dùng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội.

Nhằm kích cầu tiêu dùng sau “làn sóng” COVID-19 lần 2, TP. Hà Nội đã triển khai hàng loạt chương trình, sự kiện về Tuần hàng Việt, Hội chợ hàng Việt. Vậy bà có thể chia sẻ thêm về những chương trình này?

Bà Trần Thị Phương Lan: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố và Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tình hình mới, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các quận, huyện, thị xã và các tỉnh, thành phố cả nước tổ chức triển khai nhiều chương trình, giải pháp, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuần hàng Việt TP. Hà Nội năm 2020 là một trong nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội được triển khai từ tháng 6/2020 đến nay. Sau Tháng khuyến mại tập trung diễn ra vào tháng 6 và 7/2020, Sở cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức hàng loạt Tuần hàng Việt; Hội chợ kết nối sản xuất - tiêu dùng; Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội… Đây không chỉ là để giới thiệu đặc sản vùng miền tới người dân Thủ đô, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các địa phương kết nối, hợp tác với hệ thống siêu thị Big C, Vinmart, BRGMart,… nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mặt khác, doanh nghiệp bán lẻ cũng có điều kiện chủ động nguồn hàng chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng Hà Nội.

Điển hình là Tuần hàng Việt TP. Hà Nội tại thị xã Sơn Tây năm 2020 vừa được diễn ra. Với quy mô hơn 100 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt thuộc nhóm ngành: Hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông lâm thuỷ sản, sản phẩm OCOP… của Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Thông qua các sự kiện này, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có các sản phẩm, dịch vụ hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích bình chọn đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, phát triển thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ gắn với các hoạt động du lịch mua sắm, giải trí trên địa bàn Thành phố.

Cùng với đó, Sở đã chủ trì, phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng và các đơn vị liên quan tổ chức khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích với quy mô 120 gian hàng tại quảng trường khu đô thị Times City, 458 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Diễn ra từ ngày 22/10 đến ngày 26/10/2020, Hội chợ đã thu hút đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đến thăm quan và mua hàng…

Bà có thể chia sẻ thêm thông tin việc chuẩn bị 28 điểm bán hàng cố định hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố đưa hàng hóa về Thủ đô, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới?

Bà Trần Thị Phương Lan: Ngoài các chương trình kích cầu, các chương trình bình ổn thị trường và các sự kiện diễn ra hằng năm, năm nay, Thành phố có chỉ đạo ngành Công Thương bố trí các điểm bán hàng cố định để cho các tỉnh đưa hàng hóa về bán tại TP. Hà Nội từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã để rà soát các điểm trên địa bàn. Đến nay, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, các trung tâm thương mại, các hệ thống phân phối cũng đã giới thiệu được 28 điểm để hỗ trợ cho các tỉnh mang hàng về để bán từ nay đến Tết Nguyên đán.

Hiện, chúng tôi đã thông tin đầy đủ đến Sở Công Thương 62 tỉnh, thành phố để thông tin cho các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký và đưa quảng bá các sản phẩm của các địa phương trong dịp cuối năm và đưa sản phẩm nông sản chính vụ về Hà Nội quảng bá; giúp cho các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cũng như bảo đảm cho Hà Nội cân đối được cung cầu và tiếp tục tăng mức bán lẻ trên địa bàn Thành phố.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nguồn gốc xuất xứ hàng hóa luôn được người tiêu dùng quan tâm. Vậy công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các Tuần hàng cũng như các chương trình kích cầu sẽ được triển khai như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Trong dịp cuối năm, nhu cầu của Hà Nội phục vụ cho trên 10 triệu dân trong dịp lễ, Tết là rất lớn. TP. Hà Nội đều phải kết nối các sản phẩm hàng hóa của các tỉnh thành phố đưa về để bảo đảm cân đối cung cầu. Do đó, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm đối với các sản phẩm cung ứng trên địa bàn TP. Hà Nội được chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ. Tất cả các sản phẩm của các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đưa về đều phải bảo đảm chứng minh được truy xuất nguồn gốc hàng hóa và các các loại giấy cấp về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các sản phẩm đó bán tại các hội chợ, triển lãm cũng như các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố đều được kiểm soát chặt chẽ, từ các nhà phân phối tiếp nhận cũng như các lực lượng chức năng gồm thanh tra của Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 của các địa phương.

Đối với các Tuần hàng, Hội chợ hàng Việt, Sở đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, khuyến mại hấp dẫn, bán hàng bảo đảm văn minh thương mại, đúng quy định của pháp luật. Tuyệt đối không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích của các doanh nghiệp.

Xin cám ơn bà!

Thùy Linh

Top