Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

21/08/2017 2:41 PM

(Chinhphu.vn)-Doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa nhưng không xuất khẩu, cũng không tiêu thụ được trên thị trường nội địa; thói quen mua sắm thay đổi; hàng ngoại cạnh tranh... là những yếu tố khiến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Vì vậy, việc kích cầu tiêu tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp lấy lại động lực sản xuất, kinh doanh.

Tổ chức các hội chợ, kích cầu tiêu dùng trong nhân dân. Ảnh: Thùy Linh

Theo dự báo, tình hình lạm phát những tháng cuối năm 2017 sẽ còn nhiều biến động khi giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, giá hàng hóa được dự báo vẫn sẽ ổn định, mặc dù việc tăng lương từ ngày 1/7/2017 có thể làm tăng giá nhẹ. Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng cả năm sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn, cần thay đổi để phát triển.

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa nửa đầu năm 2017 trên địa bàn Thành phố được tính từ hoạt động của các ngành thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng; du lịch lữ hành và dịch vụ (gồm kinh doanh bất động sản; thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nghệ thuật, vui chơi, giải trí; hoạt động dịch vụ khác...) chỉ đạt mức 7,1%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này được bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội lý giải, do thu nhập của người dân trong các năm trở lại đây chưa được cải thiện; tình hình chăn nuôi, sản xuất phát triển mạnh, nguồn cung hàng hóa, lương thực tiếp tục dồi dào, thậm chí vượt cầu cho nên giá giữ ở mức thấp. Thu nhập giảm dẫn đến thói quen mua sắm của người dân cũng thay đổi, chủ yếu tập trung mua sắm các loại hàng hóa thật sự thiết yếu, không giữ thói quen tích trữ như trước.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực...; mẫu mã, chất lượng còn hạn chế, chưa thu hút được người tiêu dùng...

Kích cầu phải thực hiện ngay khi doanh nghiệp chưa thu hẹp sản xuất

Để thúc đẩy sức mua trên thị trường trong nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản sản xuất tập trung có sản lượng lớn, mang tính mùa vụ cao của các địa phương; hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước thông qua các hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp cho các doanh nghiệp thu mua phân phối, xuất khẩu với các vùng sản xuất; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu hoặc kết nối vào các doanh nghiệp có hệ thống phân phối đa quốc gia.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ, kích cầu phải thực hiện ngay khi các doanh nghiệp chưa thu hẹp sản xuất và các hộ gia đình chưa thu hẹp tiêu dùng. “Việc kích cầu cũng nên hướng đến những người có thu nhập thấp hơn, để họ không phải giảm tiêu dùng, thậm chí còn tăng tiêu dùng, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kích thích doanh nghiệp mở rộng sản xuất”, bà Lan nhấn mạnh.

Để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, cho người dân tiêu thụ các mặt hàng, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải xem xét, bố trí mặt bằng sau đó công bố công khai để giúp người dân trên địa bàn có điều kiện đưa mặt hàng nông sản, thực phẩm, hoa, cây cảnh tiêu thụ. Thành phố khuyến khích một số doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các xã miền núi của Thành phố; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố kết nối tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Những tháng cuối năm, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các chương trình như: Hội chợ hàng Việt, Hội chợ đặc sản vùng miền, Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ, các chuyến bán hàng Việt tại ngoại thành, khu công nghiệp, Tháng khuyến mãi năm 2017… để giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tăng cường bán hàng và kích cầu tiêu dùng trong nhân dân.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tìm kiếm nguồn hàng, liên kết tạo các chuỗi sản xuất-phân phối; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành.

Cùng với chính sách kích cầu tiêu dùng, các cơ quan quản lý tiếp tục tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế; giảm thiểu các thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là loại bỏ bớt các giấy phép con không cần thiết nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bà Trần Thị Phương Lan cũng cho rằng, cùng với ngành công thương, các sở, ngành liên quan cũng cần có giải pháp thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý như khách sạn, nhà hàng, du lịch… Từ nay đến cuối năm có nhiều dịp lễ, Tết như dịp khai giảng năm học mới, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các ngày lễ: Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Noel 24/12... Ðây là những thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp tận dụng kích cầu mua sắm, giải phóng hàng tồn kho.

Thùy Linh

Top