Kiểm kê để bảo vệ kịp thời các di sản

27/07/2016 5:02 PM

(Chinhphu.vn) – Với kết quả 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được xác định, việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Nội là biện pháp quan trọng để bảo vệ di sản thông qua việc nhận dạng, xác định giá trị, sức sống của di sản và đề xuất khả năng bảo vệ, duy trì và trao truyền.

CLB Ca trù Thăng Long Hà Nội.

Di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) của thành phố Hà Nội trong nhiều năm qua, đã được các cơ quan, các tổ chức, các viện nghiên cứu của trung ương, địa phương, các trường đại học, các bảo tàng… quan tâm nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa. Tuy nhiên, các đề tài này chủ yếu nghiêng về nghiên cứu lịch sử, tổng hợp, giới thiệu các giá trị văn hóa phi vật thể qua các công trình nghiên cứu, thư tịch mà ít chú trọng điều tra thực tế, đánh giá sức sống của di sản, cũng chưa có các phiếu điều tra, kiểm kê, phân loại di sản VHPVT và ít bàn đến các biện pháp bảo vệ di sản.

Từ năm 2013, TP. Hà Nội bắt đầu thực hiện đề án tổng kiểm kê và bảo vệ di sản VHPVT trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Từ tổng kiểm kê, Hà Nội xác định số lượng, đánh giá sức sống, nhận diện các thách thức, nguy cơ và đề xuất các biện pháp bảo vệ phù hợp đối với một số loại hình di sản VHPVT hiện có. Từ đó, bảo vệ kịp thời các di sản VHPVT có tính đại diện hoặc đang có nguy cơ mai một cao cần được bảo vệ khẩn cấp.

Việc kiểm kê tập trung vào 6 nhóm: Ngữ văn dân gian (sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói, truyền khẩu ); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn truyền thống khác).

Ngoài ra, là tập quán xã hội và tín ngưỡng (luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian (tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác).

17 cuộc tập huấn đã được tổ chức cho gần 2.000 người với yêu cầu nắm vững các kiến thức, nhận thức chung và nhận diện về di sản VHPVT; các biện pháp bảo vệ di sản VHPVT; những kinh nghiệm thực hành tốt và chưa tốt; kỹ năng đánh giá và nhận diện sức sống của di sản; kỹ năng làm việc và hợp tác với cộng đồng chủ thể; kỹ năng khảo sát, điền dã, thu thập tư liệu, lập phiếu kiểm kê, lập danh mục kiểm kê…

Di sản trên địa bàn Hà Nội có những đặc thù riêng nên Hà Nội đề cao việc người dân trực tiếp tham gia vào quá trình nhận diện, kiểm kê, đánh giá hiện trạng của di sản thông qua việc tham gia các tổ kiểm kê tại các địa phương.

Nhiều di sản VHPVT cần bảo vệ khẩn cấp

Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai kiểm kê di sản VHPVT, bao gồm cả Mê Linh và Đông Anh là các huyện đã kiểm kê thí điểm. Việc khảo sát, kiểm kê được thực hiện cho toàn bộ 386 xã, 177 phường, 21 thị trấn của thành phố. Tổng số xã, thị trấn có di sản là: 509/584 đạt 87,2%.

Đề án Tổng kiểm kê di sản VHPVT trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành sau ba năm nỗ lực của các chuyên gia, của người dân. Kết quả từ cuộc tổng kiểm kê cho thấy, tổng số di sản VHPVT của 30 quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được kiểm kê là 1.793 di sản.

Di sản VHPVT trên địa bàn Hà Nội thuộc nhóm lễ hội (44,6%) và nghề thủ công (21,4%), nghệ thuật trình diễn (15,9%), tập quán xã hội (9,4%), tri thức dân gian (8,7%). Di sản truyền khẩu chỉ có 1 chiếm 0,4%.

Đông Anh, Ba Vì, Thường Tín là ba địa phương giàu có về di sản phi vật thể nhất, mỗi địa phương có hơn 120 di sản khác nhau; huyện Chương Mỹ có 9 di sản, Phú Xuyên 86 di sản, Mê Linh 85 di sản… Về loại hình, phong phú nhất vẫn là lễ hội, với 1.206 lễ hội; tiếp đó là tập quán xã hội và tín ngưỡng, với 213 di sản; 175 nghề truyền thống có giá trị và các loại hình khác.

Sau khi kiểm kê, đề án đã lập danh mục 276 di sản VHPVT được đưa vào diện ưu tiên bảo vệ. Danh mục này là công cụ để quản lý, thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát để tránh được những thay đổi, biến tướng làm sai lệch di sản. Đồng thời, khuyến khích sự quan tâm của cộng đồng đối với từng di sản cụ thể, đặc biệt đối với những di sản cần bảo vệ khẩn cấp, đề xuất các dự án cụ thể bảo vệ di sản.

Trong đó, di sản ở các quận trung tâm nội thành được chú trọng hơn trong việc đề xuất ưu tiên bảo vệ vì đây là khu vực bị ảnh hưởng nhiều trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và có nhiều nguy cơ mai một. Các di sản VHPVT được ưu tiên bảo vệ ở các quận trung tâm Hà Nội thường chiếm từ 30%, cá biệt có Hoàn Kiếm, số di sản được đề xuất bảo vệ khẩn cấp lên đến 70,2%.

Quá trình kiểm tra cũng đã lập danh mục 11 di sản VNPTV ưu tiên bảo vệ khẩn cấp nằm trong 2 loại hình di sản truyền khẩu và nghệ thuật trình diễn dân gian, đó là: Tiếng lóng Đa Chất, Hát trống quân ở thôn Phúc Lâm thuộc huyện Phú Xuyên; Hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng, huyện Chương Mỹ; Hát trống quân Khánh Hà, huyện Thường Tín; Hát ca trù thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức; Hát Ví, xã Đồng Quang, Hát dô Liệp Tuyết, Hát ví Hàm Rồng, xã Tuyết Nghĩa thuộc huyện Quốc Oai; Nghệ thuật Hát ca trù, xã Phượng Cách, huyện Thanh Oai và Nghệ thuật hát ca trù Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh.

Nguyên nhân mai một, cần bảo vệ khẩn cấp là  ngoài các tiêu chí như các di sản nằm trong diện ưu tiên bảo vệ, thì việc không còn được thực hành thường xuyên, những người nắm giữ di sản đang ở độ tuổi cao và không có đối tượng trao truyền; môi trường sống thay đổi không còn không gian và những điều kiện để thực hành.

Việc thực hiện đề án tổng kiểm kê và bảo vệ di sản VHPVT Hà Nội là cơ hội nâng cao nhận thức về di sản văn hoá phi vật thể cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hoá cấp sở, huyện, xã, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của di sản, cách thức thực hành và việc làm thế nào để di sản không bị biến đổi, sai lệch, sự cấp thiết phải trao truyền lại cho thế hệ trẻ.

Gia Hân

Top