Kiểm soát dịch tả lợn châu Phi bằng cách nào?

16/08/2019 8:18 AM

(Chinhphu.vn) – Với việc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục phát sinh tại 31 hộ chăn nuôi thuộc 8 quận, huyện, thị xã đã đưa con số các hộ chăn nuôi có dịch tại Hà Nôi lên đến gần 36%. Với diễn biến ngày càng phức tạp của bệnh dịch cho thấy biện pháp duy nhất đến thời điểm này giúp lợn an toàn vẫn là chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH).

Ông Lê Viết Thể kiểm soát trại lợn thông qua hệ thống camera để hạn chế người ra vào dễ ảnh hưởng đến ATTSH. Ảnh: An Khuê

Nhiều mô hình kiểm soát tốt

Tại thôn Địch Trung, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) mọi người đều biết đến nhà ông Lê Viết Thể với trang trại chăn nuôi 200 con lợn vẫn đang an toàn khỏe mạnh trong khi các hộ xung quanh nuôi lợn đều bị mắc DTLCP.

Ông Lê Viết Thể cho biết: "Chuồng trại nhà tôi được quây kín để tránh chuột, bụi bặm, người lạ tuyệt đối không được vào chuồng trại; định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại hàng tuần; riêng hệ thống nước làm mát cũng được tôi pha thêm thuốc tiêu độc khử trùng phun 24/24 giờ để tăng thêm hàng rào bảo vệ đàn lợn”.

Đến nay trang trại của ông vẫn bình yên sau “bão” dịch tả lợn châu Phi quét qua xã Phương Đình, khiến 50% tổng đàn lợn của xã buộc phải tiêu hủy, nhiều gia đình lâm vào tình trạng khánh kiệt.

Ông Thể cho biết thêm: “Để tăng sức khỏe cho đàn lợn, từ đó có khả năng chống chịu sự tấn công của virus, vào các ngày nắng nóng, ông tăng cường các chất điện giải vào thức ăn của lợn; bổ sung các loại vitamin; nguồn nước sử dụng là nước sạch từ nhà máy”.

Cũng giống nhà ông Thể, tại Huyện Phúc Thọ, ông Nguyễn Quang Long cũng đang giữ đàn lợn 100 con của mình đang được an toàn trong vùng dịch. Ông Long cho biết: “Hiện nay gia đình tôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Cụ thể, gia đình tôi đã xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi khép kín; đàn lợn 100 con được tiêm phòng vaccine đầy đủ theo quy định nên không bị dịch bệnh, giá bán luôn ổn định từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg”.

Tương tự, trang trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), mặc dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ảnh hưởng tới chăn nuôi lợn của các hộ dân xung quanh, song giữa “bão dịch”, 350 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm của hợp tác xã vẫn phát triển ổn định. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ Nguyễn Văn Thanh cho biết, hợp tác xã đã tuân thủ triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là: Giữ đàn lợn trong môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt; chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tốt, tạo sức khỏe và sức đề kháng cho đàn lợn; kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi từ các khâu như: Diệt côn trùng, chuột, bọ, sát trùng khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/ngày.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh DTLCP, thì chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất giúp người chăn nuôi chủ động khống chế hiệu quả dịch bệnh, hạn chế rủi ro. Thực tế, hơn 4 tháng qua, kể từ khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, hầu hết cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều không bị nhiễm bệnh dịch”.

Phối hợp nhiều biện pháp để thực phẩm an toàn

Từ thực tế hiệu quả của chăn nuôi ATSH, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích chăn nuôi an toàn sinh học, để nhân rộng mô hình. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết đơn vị này sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... đến người chăn nuôi; đồng thời, tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ về vốn, quỹ đất, định hướng về thị trường, minh bạch các thông tin về sản phẩm để chăn nuôi an toàn sinh học phát triển rộng rãi.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, do chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% cơ sở, nên việc áp dụng phương thức nuôi an toàn sinh học trên địa bàn thành phố mới chỉ dừng lại ở các trang trại quy mô lớn, chưa phát triển rộng rãi tới các hộ chăn nuôi. Ngoài ra, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học cao hơn 10% so với chăn nuôi truyền thống. Hơn nữa, nông dân vẫn giữ thói quen “nhớ đâu làm đó” hoặc dựa vào kinh nghiệm, trong khi chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học phải đầu tư bài bản từ chuồng trại, tới ghi chép sổ sách, nhật ký chăm sóc, dẫn tới nhiều hộ còn lúng túng...

Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, với số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi đúng để Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường... Theo đó, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ cho người dân về xây dựng công trình khí sinh học; kinh phí đầu tư đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức các hội chợ kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp, qua đó người sản xuất có thể bán trực tiếp sản phẩm cho các doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định.

Cùng với việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi ATSH, TP. Hà Nội đã “mạnh tay” xóa bỏ 1/4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ để đảm vảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, giết mổ nhỏ lẻ khiến nguy cơ mất an toàn thực phẩm gia tăng. Thực tế, từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát với trâu, bò là 30.011 con, lợn 575.497 con, gia cầm 5.758.754 con. Tuy nhiên, một số lượng rất lớn gia súc, gia cầm vẫn chưa được kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho biết, so với cùng kỳ năm 2018, tổng số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội đã giảm khoảng 25%.

An Khuê

Top