Kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm còn nhiều gian nan

20/02/2020 2:35 PM

(Chinhphu.vn) - Do Hà Nội hiện nay vẫn còn phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nên việc quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gặp không ít vướng mắc. Đặc biệt, công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm còn nhiều gian nan, khó khăn.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Thiện Tâm

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm ở tốp đầu cả nước, trong đó tổng đàn trâu bò 153 nghìn con, tổng đàn lợn hiện tại khoảng 1,2 triệu con; đàn gia cầm 34 triệu con, đàn chó mèo 466 nghìn con. Tuy nhiên phương thức chăn nuôi vẫn chủ yếu nhỏ lẻ và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp chiếm khoảng 60 %.

Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố có nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung của các công ty liên doanh nước ngoài như: Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty cổ phần Giống gia cầm Lương Mỹ, RTD... Chính vì vậy, việc quản lý chăn nuôi và kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn.

Có thể thấy, trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, hoạt động kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm có vai trò rất lớn để đảm bảo an toàn thực phẩm. Trên địa bàn Thành phố, do chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao nên hệ lụy kéo theo hoạt động giết mổ, gia súc gia cầm cũng nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao. Toàn thành phố có tới 749 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 718 cơ sở giết mổ thủ công.

Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có 99 kho lạnh bảo quản sản phẩm động vật làm thực phẩm, 385 cơ sở sơ chế sản phẩm động vật cần được kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Tất cả các cơ sở này đều phải có sự quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng mà thực tế là lực lượng cán bộ chuyên môn thú y là lực lượng trực tiếp.

Còn nhiều khó khăn

Đặc thù của nghề giết mổ gia súc gia cầm là hoạt động vào ban đêm, khoảng 11h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Sau thời điểm này sản phẩm động vật đã qua kiểm tra cung cấp đến các siêu thị chợ truyền thống, các sạp hàng để bán cho người tiêu dùng. Với đặc thù của nghề như vậy, cán bộ thú y phải thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm theo các cơ sở giết mổ, đáp ứng yêu cầu thực tế xã hội. Đây cũng chính là những gian nan với nghề, hơn nữa nghề đi làm kiểm soát giết mổ vì phải tiếp xúc trực tiếp với gia súc, gia cầm kể cả gia súc gia cầm bệnh, việc lây nhiễm bệnh giữa người và gia súc gia cầm là những điều khó tránh khỏi. Điển hình như: Cúm gia cầm, Liên Cầu khuẩn, … đây cũng chính là những nguy hiểm mà cán bộ Thú y phải đối mặt.

Một khó khăn nữa là còn quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nằm rải rác ở các khu dân cư, có cơ sở giết mổ chỉ vài con (3- 5 con), có cơ sở nằm sâu trong khu dân cư chưa đảm bảo vệ sinh thú y nhưng vẫn phải kiểm tra để ngăn chặn dịch bệnh. Không quản ngại, xác định “sống với nghề”, cán bộ Thú y Hà Nội từ cấp thành phố đến cấp huyện, xã, thôn bản đã không ngừng nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù là cán bộ thú y ở phân cấp nào, luôn nắm vững được vai trò, nhiệm vụ chuyên môn của mình để tham mưu cho các cấp chính quyền và trực tiếp thực hiện đúng công tác quản lý nhà nước về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Với mục đích mong muốn là giúp cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm động vật an toàn và góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Mặt khác công tác kiểm soát giết mổ cũng như phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm trong giai đoạn hiện nay gặp không ít khó khăn do thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, môi trường ô nhiễm nặng nên dịch bệnh gia súc gia cầm phát sinh và phát triển mạnh, nhất là một số bệnh nguy hiểm (dại, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh …). Ở một số nơi chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung, chưa xử lý được các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nên việc quản lý của các cơ quan chuyên môn gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó tập quán thói quen của người tiêu dùng vẫn sử dụng thịt tươi, thịt gia súc gia cầm chưa qua kiểm soát của cơ quan thú y đã phần nào tạo điều kiện để các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động. Hiện nay số lượng cơ sở, điểm chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm lớn nằm rải rác tại nhiều xã, nhiều huyện trên địa bàn Thành phố đòi hỏi cán bộ thú y thực hiện nhiệm vụ phải đi lại và di chuyển rất nhiều. Mặt khác môi trường làm việc tiếp xúc với động vật, sản phẩm động vật sống, có nguy cơ phơi nhiễm đối với các loại dịch bệnh truyền lây sang người nếu không mang bảo hộ lao động đầy đủ.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, trong những năm gần đây, ngành thú y trên khắp cả nước có nhiều biến động về cơ cấu tổ chức, thực hiện chưa thống nhất. Nhiều tỉnh cơ quan chuyên ngành Thú y cấp huyện sát nhập với các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp khác gây tâm lý lo lắng, không yên tâm làm việc đối với cán bộ thú y, đặc biệt thú y cấp huyện, xã, phường, thôn, bản, những người trực tiếp làm công tác kiếm soát giết mổ.

Cần xây dựng nhiều khu giết mổ công nghiệp

Đối diện với rất nhiều khó khăn, vất vả và những gian nan song những cán bộ thú y vẫn luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ để đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Ngành thú y cũng mong muốn các cấp chính quyền sẽ triển khai nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ công nghiệp (như cơ sở giết mổ gia cầm của Công ty CP tại Chương Mỹ khoảng 35 nghìn con/ngày, cơ sở giết mổ gia cầm Lan Vinh tại Yên Thường, Gia lâm khoảng 5.000 con/ngày, cơ sở giết mổ lợn Vinh Anh tại Thường Tín khoảng 150 con/ngày…). Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn (như cơ sở giết mổ lợn tại Vạn Phúc – Thanh Trì, hiện tại đã và đang giết mổ khoảng 1.500 – 1.700 con/ngày, cơ sở giết mổ Đông Thành Đông Anh khoảng 50 con trâu bò/ngày …). Có các cơ sở giết mổ tập trung vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm vừa dễ kiểm soát, giúp cho lực lượng thú y quản lý chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các cấp các ngành và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đặc biệt các cơ sở chưa được chính quyền địa phương cho phép. Làm tốt hơn công tác tuyên truyền để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm động vật đã qua kiểm tra của lực lượng thú y.

Thiện Tâm

Top