Kiểm soát tốt hơn các sự cố, thảm họa có thể xảy ra

18/10/2019 1:00 PM

(Chinhphu.vn) - Liên quan đến một số sự cố xảy ra gần đây trên địa bàn, Bí tư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Thành phố rà soát lại các cơ chế chính sách, phương pháp quản lý nhà nước để kiểm soát tốt hơn các sự cố, thảm họa có thể xảy ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội làm việc với HĐND, UBND, UB MTTQ TP. Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Sáng 18/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội do Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Gần 50% vụ cháy xảy ra tại nhà dân

Nhiều nội dung được Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nêu với Thành phố liên quan đến các sự cố xảy ra trên địa bàn như: Kết quả công tác PCCC trên địa bàn 9 tháng đầu năm và quá trình xử lý đối với vụ cháy tại nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông; các vấn đề liên quan ô nhiễm môi trường không khí và giải pháp của Thành phố; tình hình xử lý đối với vấn đề ô nhiễm nguồn nước và việc cung cấp nước sạch từ Công ty CP nước sạch sông Đà...

Theo UBND TP. Hà Nội, trong 9 tháng năm 2019 địa bàn xảy ra 406 vụ cháy (3 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 4 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 128 vụ cháy trung bình, 263 vụ cháy nhỏ, 1 vụ cháy rừng) , không xảy ra vụ việc liên quan đến nổ. Thiệt hại làm 16 người chết, 26 người bị thương, tài sản ước tính khoảng 192 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2018 giảm 220 vụ, tăng 10 người chết, 15 người bị thương, thiệt hại tài sản giảm 80 tỷ đồng. Loại hình xảy ra cháy chủ yếu là nhà dân 201 vụ (chiếm tỷ lệ 49,5%); nhà kho, xưởng sản xuất 46 vụ (chiếm tỷ lệ 11,3%). Nguyên nhân do chập điện 242 vụ (chiếm tỷ lệ 60%).

Công an Thành phố mở 3 đợt cao điểm về công tác PCCC, trong đó mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC đối với các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu dân cư. Kết quả đã kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC là 7.601 cơ sở (Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp; làng nghề; cơ sở trong khu, cụm, tiểu thủ công nghiệp; cơ sở trong làng nghề; cơ sở sản xuất, kho hàng trong khu dân cư...).

Từ đó phát hiện và kiến nghị cơ sở khắc phục trên 13 nghìn  tồn tại, thiếu sót; ra quyết định xử phạt 4.242 lỗi vi phạm; phát hiện 1.638 cơ sở thuộc diện phải thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với công trình trước khi đưa vào sử dụng, hoạt động nhưng chưa thực hiện; yêu cầu 342 cơ sở dừng hoạt động; đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ 204 lượt cơ sở , đình chỉ 35 lượt cơ sở...

Đối với vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, UBND Thành phố đã giao Công an Thành phố khẩn trương, tiếp tục tiến hành điều tra làm rõ vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ cháy. Làm rõ việc cải tạo cơi nới diện tích kho, xưởng từng hạng mục trong Công ty về thời gian, quy mô, việc báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình cải tạo...; hoàn thành công tác định giá tài sản thống kê thiệt hại tài sản; xác minh nguồn gốc khu vực đất từ số 64 đến 72 ngõ 342 Khương Đình, phường Hạ Đình. Bên cạnh đó tiếp tục phối hợp với Viện hàn lâm KHCN Việt Nam về kết luận giám định làm lượng, khối lượng thủy ngân thoát ra môi trường trong 85 mẫu vật thu giữ tại Công ty, sau khi có kết quả báo cáo UBND Thành phố về kết quả giám định.

Ảnh: Gia Huy

Hà Nội kiến nghị có cơ chế đặc thù để xử lý môi trường

Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu tại buổi làm việc, báo cáo với Đoàn làm việc, liên quan đến việc xây dựng nhiều nhà cao tầng trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định trong những năm qua Hà Nội thực hiện theo đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt liên quan phát triển đô thị của Hà Nội. Trong quá trình phát triển này có vi phạm trong xây dựng của chủ đầu tư, của cá nhân và đã được Thành phố khắc phục, tuy nhiên việc này chưa được đầy đủ theo kỳ vọng người dân và quy định pháp luật.

Chủ tịch TP. Hà Nội nêu ý kiến, xu hướng các nước trên thế giới, việc phát triển nhà cao tầng, phát triển đô thị là xu hướng tất yếu, tuy nhiên tại Hà Nội chưa phát triển theo đô thị vệ tinh, hạ tầng chưa phát triển kịp do tăng dân số cơ học, bắt buộc cần phát triển nhà cao tầng. Với sự tích cực trong giải quyết nhà ở cho người dân, vừa qua Hà Nội đã đứng thứ 2 sau Đà Nẵng về bình quân nhà ở, đạt 26m2/người.

Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, trong những qua Thành phố thực hiện rất quyết liệt nhằm cải thiện chất lượng không khí, đó là các chương trình trồng 1 triệu cây xanh; cơ giới hóa vệ sinh môi trường bằng xe hút bụi và rác bởi tính cả ngõ xóm Hà Nội có trên 23 nghìn km, việc giải pháp hữu hiệu là quét và hút bụi. Thành phố đã rất quyết liệt nhưng cần sự vào cuộc của người dân nâng cao ý thức thu gom rác thải, đổ vật liệu khi phá dỡ nhà để xây dựng...

Nhắc đến vụ việc nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu thải, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay Công ty nước sông Đà cấp nước cho Hà Nội chiếm khoảng 18%, tương đương 250 nghìn hộ. Thành phố đang cố gắng khắc phục với tiến độ cao nhất để đến hết ngày 20/10 khi súc xả hết hệ thống thì tiến hành giám định liên tục chất lượng nước để có thông báo người dân sử dụng nước lại bình thường.

Liên quan đến ô nhiễm các con sông, trong những năm qua Thành phố đã xử lý quyết liệt, xử lý nước thải của các nhà máy được 22%, hiện còn 160 km mương hở cần cống hóa trong thời gian tới; về sông Tô Lịch sắp tới sẽ đào bằng robot dọc hai bên bờ sông để thu gom nước thải.

Chủ tịch TP. Hà Nội tiếp thu ý kiến của đại biểu và mong muốn việc xử lý ô nhiễm môi trường ở thành phố lớn như Hà Nội cần có sự vào cuộc của cả hệ thống, từ chính sách đến sự vào cuộc của Chính phủ bởi cần sự chung tay của các tỉnh thành xung quanh. Ví dụ để làm sạch sông Nhuệ, sông Đáy cần sự vào cuộc của Chính phủ hoặc tạo điều kiện cho Hà Nội cơ chế đặc thù bởi chỉ bằng tiềm lực của Hà Nội hiện nay chưa thể giải quyết. Chủ tịch TP. Hà Nội đề nghị đại biểu Quốc hội nêu kiến nghị cho Hà Nội có chính sách đặc thù để xử lý vấn đề môi trường.

Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội TP. Hà Nội thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố tiếp thu các ý kiến của TP. Hà Nội kiến nghị gửi lên Quốc hội về những nội dung Thành phố còn vướng mắc để các cơ quan liên quan nghiên cứu, tháo gỡ.

Đối với một số sự cố xảy ra trên địa bàn như ô nhiễm không khí, cháy tại nhà máy Rạng Đông, sự việc nước nguồn sông Đà nhiễm dầu thải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng năm 2017 Hà Nội đã ban hành đề án ứng phó với thảm họa, sự cố bao gồm sự cố hóa chất, ô nhiễm không khí, nguồn nuớc. Vì vậy, đây là dịp Hà Nội rà soát lại phương án để củng cố, đặc biệt rút kinh nghiệm qua sự việc những việc này nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, kịp thời trong trách thông tin với người dân. Đặc biệt là việc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong xử lý thông tin khi có các sự cố xảy ra.

Gia Huy

Top