Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh 6 tháng đầu năm

06/07/2020 8:45 AM

(Chinhphu.vn) - 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản đang được kiểm soát tốt, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19.

Phun thuốc để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Thiện Tâm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, 6 tháng đầu năm, Hà Nội không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh nguy hiểm như Mers-CoV, Ebola, Cúm A/H5N1, Cúm A/H7N9. Các dịch bệnh lưu hành khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi,… vẫn được kiểm soát, hầu hết số mắc đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn thành phố tính đến hết ngày 28/6 ghi nhận 121 mắc, 0 tử vong. Tính đến 29/6, tất cả các trường hợp mắc bệnh đều đã được công bố khỏi bệnh, trong đó 96/121 trường hợp đã được ra viện. Kể từ ngày 15/4 đến nay, Hà Nội không ghi nhận thêm ca bệnh mắc mới tại cộng đồng.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 634 trường hợp mắc, bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện; 198/579 xã, phường, thị trấn; số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 (837 mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. Một số xã ghi nhận nhiều bệnh nhân và có ổ dịch có diễn biến phức tạp nhưTam Hiệp - Phúc Thọ (182 ca); Khánh Hà - Thường Tín (48 ca); Thanh Thùy - Thanh Oai (44 ca); Tay chân miệng ghi nhận 201 trường hợp mắc, bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 105 xã, phường; giảm so với cùng kỳ năm 2019 (315 mắc, 0 tử vong); sởi ghi nhận 15 mắc, giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (1.563/0). Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ (10 trường hợp chiếm 67%); một số dịch bệnh khác như Ho gà ghi nhận 5 trường hợp mắc, Não mô cầu ghi nhận 2 trường hợp mắc, Viêm não Nhật Bản ghi nhận 3 mắc...

Theo nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 2 là hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh các biện pháp phòng chống dịch đang được các quốc gia nới lỏng để phát triển kinh tế xã hội. Tại Hà Nội, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và các ban ngành đoàn thể mà dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên chính sách từng bước mở cửa, giao thương trở lại với quốc tế để phát triển kinh tế xã hội sẽ là thách thức lớn trong công tác phòng chống dịch. Mặt khác hiện nay xuất hiện hiện tượng người nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở tại khu vực biên giới sau đó không được phát hiện để đưa đi cách ly tập trung hoặc phát hiện muộn là nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát dịch bệnh tại cộng đồng.

Đối với các dịch bệnh lưu hành khác như Sởi, Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Ho gà, Viêm não Nhật Bản..., mặc dù ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những tuần gần đây tạo điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch trên địa bàn thành phố nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành Y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch một cách chủ động.

Nhằm tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội đã kiện toàn thành lập 5 đội đáp ứng nhanh với dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 5894/QĐ-BYT ngày 19/12/2019; tổ chức hoạt động giám sát bệnh nhân chủ động tại 63 bệnh viện trên địa bàn (kể cả tại một số bệnh viện tuyến Trung ương); thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, nhất là hành khách đến từ vùng có dịch.

6 tháng đầu năm đã ghi nhận hơn 800 trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19; 121 trường hợp mắc COVID-19; 766 trường hợp mắc/nghi mắc SXH; 529 trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm khác; thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây cho 69.180 mẫu bệnh phẩm chẩn đoán COVID-19; 116 mẫu Elisa SXH; 126 mẫu PCR SXH; 32 mẫu Elisa Sởi-Rubella; tổ chức cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà để phòng chống dịch COVID-19 cho 72.134 người. Đồng thời tổ chức cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tại các điểm cách ly tập trung thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô và các khách sạn do người cách ly tự chi trả để phòng chống dịch COVID-19 được 3 đợt với tổng cộng ít nhất 12.969 người; tổ chức cách ly y tế và theo dõi sức khỏe cho tổ bay từ 23/5/2020 để phòng chống COVID-19.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội đã tổ chức các hoạt động chủ động phòng chống SXH như tổ chức lễ phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH; 472 chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy chủ động phòng chống SXH; 46 chiến dịch phun hóa chất chủ động tại các khu vực ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao để phòng chống SXH. Thành phố hỗ trợ các đơn vị quận huyện 21 chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy và 15 chiến dịch phun hóa chất diện rộng từ nguồn kinh phí phòng chống SXH để triển khai thực hiện tại các xã phường có tình hình dịch phức tạp hoặc khu vực nguy cơ cao.

Ngoài ra, các hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trung tâm vẫn duy trì được hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đồng bộ từ thành phố tới cơ sở; tổ chức điều tra bao vây, xử lý ổ dịch kịp thời; khống chế thành công dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động các chương trình y tế như hoạt động giám sát vệ sinh, chất lượng nước ăn uống và nước sinh hoạt triển khai đồng bộ, dần đi vào nề nếp và góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân; hoạt động Vệ sinh học đường được duy trì, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Y tế và Giáo dục góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh trên địa bàn; hoạt động tai nạn thương tích được duy trì và nhân rộng cộng đồng an toàn Tiêu chuẩn Việt Nam; công tác phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh, hoạt động tiêm chủng phòng chống được tăng cường...

Đặc biệt, với công tác xét nghiệm, hệ thống phòng xét nghiệm của thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện đảm bảo đáp ứng tốt công tác chống dịch Covid-19. Công tác xét nghiệm tiếp tục được đẩy mạnh đáp ứng tốt việc xác định sớm tác nhân gây bệnh phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm nước, thực phẩm phục vụ công tác giám sát chất lượng nước và thực phẩm và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Triển khai được nhiều quy trình xét nghiệm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong các hoạt động của Trung tâm.

Tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân những tháng cuối năm, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, UBND thành phố về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ thành quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; quyết liệt triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH. Đặc biệt là tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà, lực lượng cộng tác viên, đội xung kích sẽ kiểm tra từng hộ gia đình để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt gọ gậy.

Hướng dẫn, tham mưu UBND các xã phường thị trấn kiện toàn lại thành phần Đội xung kích và tổ giám sát phòng chống SXH đảm bảo đúng tiêu chí về số lượng, thành phần và số hộ gia đình được phụ trách; tổ chức tập huấn lại chuyên môn kỹ thuật cho các thành viên của đội xung kích và tổ giám sát; thực hiện tốt hoạt động tiêm chủng thường xuyên trên địa bàn thành phố, đảm bảo ít nhất 95% trẻ dưới 2 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi ở quy mô xã, phường, thị trấn. Thực hiện duy trì tiêm chủng hàng tuần tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để tăng cường cơ hội tiêm chủng cho trẻ, hạn chế thấp nhất việc tiêm muộn, hoãn tiêm; phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học đặc biệt là công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non mẫu giáo.

Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức trong đó chú trọng vào tuyên truyền để từng người dân biết về bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống, qua đó mỗi người dân tự tìm diệt bọ gậy tại gia đình và áp dụng các biện pháp phòng bệnh, tuyên truyền cho người dân cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh theo quy định (vì tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất trong công tác chủ động phòng chống dịch bệnh).

Thiện Tâm

Top