Kim ngạch xuất khẩu Hà Nội tăng 10,3% so với cùng kỳ

24/09/2020 6:10 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Sở Công thương Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu quý III năm 2020 trên địa bàn Hà Nối ước đạt 5.287,6 triệu USD, tăng 10,3% so với quý III năm trước (quý III năm 2019 tăng 36,4%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước có tăng trưởng mạnh, ước đạt 3.712,3 triệu USD chiếm 70,2% và tăng 19,2%.

Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1.575,3 triệu USD chiếm 29,8% và giảm 6%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội ước đạt 12.141,6 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2019 tăng 16,3%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 7.838,4 triệu USD chiếm 64,6% và tăng 9,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 4.303,2 triệu USD chiếm 35,4% và giảm 11,3%.

Đây là lần đầu tiên từ đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố tăng trước ảnh hưởng của dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Trong 9 tháng đầu năm, có 05 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng: Hàng gốm sứ: đạt 152 triệu USD, tăng 6,5%; thủy tinh và các mặt hàng từ thủy tinh: đạt 261 triệu USD, tăng 1,3%; Gỗ và sản phẩm gỗ: đạt 389 triệu USD, tăng 8,9%; giầy dép và các sản phẩm từ da: đạt 200 triệu USD, tăng 1,9%; hàng hóa khác (trong đó có hàng hóa, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống Covid-19): đạt 4.717 triệu USD, tăng 42,4%.

Có 07 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ: Hàng nông sản: đạt 675 triệu USD, giảm 7,3% (trong đó gạo tăng 9,1%, cà phê giảm 18,6%); hàng may, dệt: đạt 1.419 triệu USD, giảm 11,8%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện: đạt 1.728 triệu USD, giảm 6,8%; xăng dầu: đạt 508 triệu USD, giảm 52%; máy móc thiết bị phụ tùng: đạt 1.152 triệu USD, giảm 13%; phương tiện vận tải và phụ tùng: đạt 793 triệu USD, giảm 20,1%.

Nhìn chung, trong 9 tháng năm 2020 hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đều giảm kim ngạch xuất khẩu: thị trường Mỹ giảm 3%, Nhật Bản giảm 6%, EU giảm 6,9% và Trung Quốc giảm 5,1%. Duy nhất thị trường ASEAN tăng 4,9% do đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian qua sang Philippines và Indonesia.

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, tiến độ thông quan chậm do tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh ở cả hai đầu xuất và nhập hàng hóa đã làm tăng thêm thời gian và chi phí; giá hàng hóa sụt giảm cũng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên trên thế giới, nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thương hàng hóa và kim ngạch xuất nhập khẩu. Đến nay, một số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới lại phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.

Kim ngạch nhập khẩu quý III năm 2020 ước đạt 7.010,8 triệu USD, giảm 10,8% so với quý III năm trước (quý III năm 2019 tăng 5%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 5.526 triệu USD chiếm 78,8% và giảm 11%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1.484,8 triệu USD chiếm 21,2% và tăng 1,6%.  

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 20.775 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019 (9 tháng năm 2019 tăng 1,8%).

Mức nhập siêu của thành phố Hà Nội 9 tháng đầu năm 2020 là 8.634 triệu USD, tương đương 71,1% kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục xu thế giảm so với cùng kỳ năm 2019 (88,7%).

Trong 9 tháng đầu năm, chỉ có 01 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng là hàng điện gia dụng và linh kiện: đạt 558 triệu USD, tăng 17,7%.

Có 12 nhóm hàng còn lại giảm so với cùng kỳ năm 2019 là máy móc thiết bị, phụ tùng, giảm 13,8%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện, giảm 13,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng, giảm 34,1%; xăng dầu giảm 40,3%; sắt thép, giảm 8,5%; chất dẻo: đạt 826 triệu USD, giảm 9%; thức ăn gia súc giảm 15,6%; vải giảm 21,8%; kim loại khác giảm 3,1%; Ngô giảm 9,4%; sản phẩm chất dẻo giảm 8,3%; sản phẩm hóa chất, giảm 3,5%.

Cùng với xuất khẩu, hầu hết kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường lớn đều giảm như Trung Quốc giảm 18,2%, Nhật Bản giảm 4,6%, Hàn Quốc giảm 11,6%; ASEAN giảm 19,7%.

Minh Anh

Top