Làm giàu từ mô hình chuyển đổi nông nghiệp

31/10/2020 4:05 PM

(Chinhphu.vn) - Việc chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới có năng suất, chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cao đang ngày càng thu hút nhiều bà con nông dân mạnh dạn thực hiện, góp phần nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn.

Phát triển mô hình sản xuất măng tây xanh mang lại thu nhập cao cho nông dân. Ảnh: Thiện Tâm.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, Hà Nội đã xác định công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm, xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Sau dồn điền đổi thửa, Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả hơn, qua đó giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho người  dân. Có thể thấy, điển hình tại huyện Đan Phượng đã thí điểm triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được biết, cùng với quá trình xây dựng hoàn thiện các tiêu chí lên quận, huyện Đan Phượng đã khuyến khích các hộ nông dân tận dụng diện tích đất nông nghiệp còn lại xây dựng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn bền vững.

Thời gian vừa qua, với sự năng động của các hội viên nông dân, nhiều mô hình măng tây xanh hay mô hình nho đen cũng đã được thí điểm triển khai trên địa bàn huyện. Tiềm năng phát triển của các mô hình này rất lớn, góp phần khai thác hết tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Theo ông Bùi Quang Kỳ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng chia sẻ, do nhận thấy tiềm năng phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm măng tây xanh hiện nay rất nhiều, vì vậy, ông Bùi Quang Kỳ đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình trồng hoa ly sang phát triển mô hình măng tây xanh. Mô hình được triển khai từ tháng 11/2019 đến nay, trên diện tích 1ha, hiện đang phát triển tốt sắp bước vào kỳ thu hoạch. Đầu tư ban đầu không cần vốn lớn, thời gian thu hoạch lâu, lại được người tiêu dùng ưa chuộng vì độ sạch và ngon của măng tây xanh nên giá cả đối với sản phẩm măng tây xanh cũng khá cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, đi lên từ nông nghiệp, nhiều hộ nông dân cũng đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi phát triển các mô hình mới. Qua nghiên cứu và được sự hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Nguyễn Vân Nội, thôn Cổ Thượng, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng cũng đã chuyển đổi gần 4.000 m2 sang trồng hơn 1.000 gốc nho đen Ninh Thuận. Hiện nay, mô hình đang phát triển tốt và đang cho thu hoạch. Theo tính toán với 1 năm 2 vụ với sản lượng khoảng 7 tấn/năm và giá bán từ 135 nghìn đồng/kg cũng sẽ mang lại thu nhập cao cho hộ gia đình ông Nguyễn Vân Nội. Với sản lượng lớn như thế, ông cũng mong muốn tìm kiếm được đối tác tiêu thụ ổn định cho sản phẩm nho đen- mô hình tiên phong trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, thời gian vừa qua, để đồng hành cùng người nông dân, Hội Nông dân huyện Đan Phượng cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình để học hỏi và triển khai mô hình tại địa phương. Từ đó, nhiều mô hình hay, cách làm mới cũng đã được các hộ nông dân huyện Đan Phượng ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình nông dân.

Được biết, huyện Đan Phượng đã đề ra 4 trụ cột để phát triển diện tích nông nghiệp còn lại của huyện đó là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thiện Tâm

Top