Lan tỏa tinh thần ‘Người Việt dùng hàng Việt’

12/12/2018 2:01 PM

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 9 năm phát động, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh được với hàng nhập khẩu cùng phân khúc từ các nước trong khu vực, các cấp, ngành cần tuyên truyền hơn nữa để tạo sự lan tỏa.

Người tiêu dùng mua hàng Việt Nam tại siêu thị. Ảnh: Bích Phương

Tạo chuyển biến rõ nét

Nói về những chuyển biến rõ nét từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, các chương trình bán hàng bình ổn giá, bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt được tổ chức thường xuyên đã tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần bảo đảm bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân… Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” được duy trì hằng năm, ngày càng nâng cao chất lượng bình chọn qua mỗi năm.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm hàng Việt có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành chức năng đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động đối thoại, giao ban, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; triển khai hiệu quả công tác khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thương hiệu…; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể các sở, ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ký kết trên 1.000 biên bản ghi nhớ, đưa hơn 500 sản phẩm mới của Hà Nội và các địa phương vào kênh phân phối trên địa bàn Thành phố và vào hệ thống phân phối trên toàn quốc; hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố đưa sản phẩm trái cây đến 766 hộ kinh doanh trái cây trên 12 quận nội thành và các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối;

Bên cạnh đó, đã có gần 800 lượt doanh nghiệp được công nhận sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, các sản phẩm và thương hiệu nội địa đã trở lên gần gũi hơn với người tiêu dùng...

Nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định vai trò hết sức rõ nét và hiệu quả của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong việc thúc đẩy phát triển của đơn vị. Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành và Dịch vụ quốc tế Ánh Dương chia sẻ, chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” đã giúp các doanh nghiệp đánh giá chính xác về nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm, từ đó định hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, công tác điều hành.

Nhân lên niềm tự hào hàng Việt

Có thể thấy, trên chặng đường hơn 9 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đáng chú ý, bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng không tránh khỏi còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực: tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Công San, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thương mại điện tử cần có sự phối hợp giữa rất nhiều cơ quan đơn vị có liên quan. Hằng năm Cục Quản lý thị trường Hà Nội đều xây dựng, ban hành Kế hoạch kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp, cá nhân không kinh doanh, chào bán hàng giả, hàng cấm trên mạng; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức/cá nhân kinh doanh hàng giả theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần tự bảo vệ mình, kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả trên thị trường.

Để có định hướng tiêu dùng tốt hơn, thúc đẩy nhiều hơn sự có mặt của hàng Việt trong mỗi gia đình, để việc “Nhân lên niềm tự hào hàng Việt” không phải là khẩu hiệu suông, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới đặt ra những yêu cầu đổi mới để cuộc vận động đi vào chiều sâu nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề đầu tiên đó là việc tuyên truyền hỗ trợ cho doanh nghiệp từ khâu sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền để doanh nghiệp có chỗ đứng nhất định tại thị trường nội địa cũng như sâu chơi hội nhập.

Hiện hàng nhập ngoại chiếm 15%, 85% còn lại là hàng nội địa. Do đó, rất cần có sự phối hợp, vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp để giữ vững thị phần này.

Về phía TP Hà Nội, theo bà Lan, cần có những cải cách thủ tục hành tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm các chi phí không chính thức; có những hỗ trợ bằng các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công… để doanh nghiệp với các thương hiệu Việt có thể quảng bá, phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Bích Phương

Top