Lãnh đạo TP. Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

24/08/2019 1:00 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 24/8, đoàn đại biểu TP. Hà Nội do Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một số di tích lịch sử mà Bác từng sinh sống, làm việc trên địa bàn Hà Nội nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9; 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn lãnh đạo TP. Hà Nội đã đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Huy

Đoàn lãnh đạo TP. Hà Nội đã đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, báo cáo với anh linh của Người về những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã thực hiện theo Di chúc của Người trong những năm qua.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thay mặt lãnh đạo TP. Hà Nội cảm ơn tập thể cán bộ, công nhân viên Khu di tích đã bảo quản tốt hiện vật, di vật của Bác, coi đây là tài sản vô giá để giáo dục truyền thống cho các thế hệ, cũng như giới thiệu với đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội trò chuyện với thân nhân gia đình cụ Nguyễn Thị An. Ảnh: Gia Huy

Sáng cùng ngày, đoàn đại biểu lãnh đạo TP. Hà Nội đã đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại gia đình cụ Nguyễn Thị An - Di tích cấp Thành phố thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Đây là nơi đầu tiên đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô.

Tại đây, Bác ở và làm việc từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 1945, nghe báo cáo về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và bàn việc chuẩn bị ra mắt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại thủ đô Hà Nội với các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh…

Phú Thượng là cơ sở cách mạng vững chắc nằm trong an toàn khu của Trung ương Đảng từ năm 1941 đến năm 1945. Vì thế nơi đây được cọn là nơi Bác Hồ dừng chân trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội.

Trò chuyện với thân nhân gia đình cụ Nguyễn Thị An, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trân trọng cảm ơn những đóng góp, giúp đỡ của gia đình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá cao những việc làm của gia đình cụ Nguyễn Thị An trong suốt 74 năm qua đã gìn giữ, bảo quản những hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, biến nơi đây là địa chỉ đỏ, di tích lịch sử cách mạng quan trọng, là địa điểm sinh hoạt chính trị và giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định Thành phố sẽ tiếp tục quan tâm để phát huy tốt hơn nữa giá trị của di tích trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi sổ lưu niệm tại di tích 48 Hàng Ngang. Ảnh: Gia Huy

*Đến thăm Di tích nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cùng các đồng chí lãnh đạo Thành phố đã thăm những hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và gắn với thời kỳ lịch sử trọng đại của dân tộc. Đây là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Trong sổ lưu niệm tại Di tích, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nêu rõ: "Để tỏ lòng thành kính với Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản quý báu gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Người, đặc biệt Di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Thủ đô và lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà 48 Hàng Ngang để trở thành những địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của Thủ đô và Đất nước”.      

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đợt 2/9 cho đồng chí Phan Văn Dần. Ảnh: Gia Huy

*Cũng trong sáng nay, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đến trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đợt 2/9 cho đồng chí Phan Văn Dần, đảng viên Chi bộ 2 thuộc Đảng bộ phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.

Trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và tặng hoa chúc mừng đồng chí Phan Văn Dần, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, đây là niềm vui của gia đình đồng chí, cũng là niềm vui chung của Đảng bộ Thủ đô; thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến của đồng chí Phan Văn Dần đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.

Đồng chí Phan Văn Dần sinh năm 1930 tại xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Vào Đảng ngày 11/9/1949, chính thức ngày 11/1/1950. Đồng chí là người sớm giác ngộ và tham gia cách mạng (từ năm 1946). Trong suốt quá trình công tác, đồng chí Phan Văn Dần nhiều năm làm việc trong ngành công nghiệp, cơ khí, dệt may…

Trước khi nghỉ hưu năm 1990, đồng chí là Phó Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp các xí nghiệp dệt may Hà Nội, Phó Bí thư Đảng bộ Liên hợp dệt may Thăng Long.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chúc đồng chí Phan Văn Dần sức khỏe, trường thọ, gia đình hạnh phúc; tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.

Hòa An

Top