Loại bỏ những rào cản kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp

30/09/2016 5:20 PM

(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp Thủ đô đang phải tuân thủ, làm đúng, làm đủ quy trình liên quan đến các thủ tục hành chính do pháp luật quy định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những rào cản về chính sách, thủ tục và cách thức làm việc của một bộ phận công chức nhà nước kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Đó là sự chia sẻ thẳng thắn của các doanh nghiệp tại diễn đàn “Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Thủ đô” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây.

Môi trường kinh doanh có cải thiện

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi có Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, VCCI ghi nhận nhiều thành tựu, kết quả của TP. Hà Nội trong quá trình phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào 4 điểm sáng: rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; cải cách hành chính, giảm chi phí, thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…; bảo đảm quyền sản xuất, kinh doanh bình đẳng, tiếp cận các nguồn lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như đất đai, vốn, lao động; có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cho thấy, Hà Nội có chỉ số PCI 2015 là 59 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2014; xếp hạng 24/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này cũng cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội có cảm nhận tích cực hơn về việc cải thiện môi trường kinh doanh của các cơ quan hữu quan.

Cùng quan điểm về môi trường kinh doanh, bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đánh giá, Hà Nội đã có những chuyển biến, cải cách rất mạnh mẽ trong những vấn đề về thuế, kê khai và nộp thuế qua mạng, thủ tục hải quan và trong cả những hoạt động xúc tiến thương mại.

Nhưng vẫn còn rào cản

Mặc dù các cơ quan chức năng cho biết đã cùng Chính phủ nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, song thực tế, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô cho thấy các rào cản về chính sách, thủ tục và cách thức làm việc của một bộ phận công chức nhà nước vẫn tiếp tục kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Hà Nội hiện đang vướng phải 5 khó khăn gồm: vốn, lao động, thủ tục hành chính, môi trường cạnh tranh không bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp. Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội chỉ rõ rằng, có nhiều doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội của bà cũng đang gặp quá nhiều khó khăn khi xin cấp phép mặt bằng đất đai để đầu tư sản xuất. Thậm chí có nhiều dự án khi triển khai phải qua “nhiều cửa” khiến cho Công ty phải xoay như “chong chóng” vì thủ tục rườm rà.

Cụ thể, bà Thùy thông tin, có doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực mây tre đan tại Phú Xuyên trong Hiệp hội được phân một lô đất hàng nghìn m2 cho sản xuất, kinh doanh cách đây 10 năm, nhưng sau đó lại bị địa phương thu hồi lại. “5-7 năm nay, doanh nghiệp này đã làm đơn tới khắp nơi nhưng vẫn chưa có được mặt bằng cho sản xuất”, bà Thùy cho biết thêm.

Thủ tục hành chính đang làm chậm quá trình đầu tư, thậm chí là làm khó các doanh nghiệp.  Điều đáng nói, hiện có 80% doanh nghiệp ở Hà Nội khó tiếp cận được nguồn vốn do doanh nghiệp không đủ điều kiện về tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng thủ tục, quy trình vay vốn của các tổ chức tín dụng do quy mô nhỏ và hạn chế. Cùng với đó là chưa tạo ra được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng và có chi phí thấp dẫn đến sản phẩm sản xuất ra có giá thành cao trong khi chất lượng chưa cao nên đã giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, kỹ thuật, công nghệ sản xuất và máy móc thiết bị của các doanh nghiệp còn lạc hậu, kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh còn hạn chế cũng là một trong những khó khăn của doanh nghiệp Hà Nội hiện nay.

Về cách thức quản lý nhà nước hiện nay, theo Chủ tịch Công ty Phú Mỹ Chu Đức Lượng, còn có tình trạng doanh nghiệp chịu sự quản lý trùng lắp giữa các cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn, cùng một ngành nghề thức ăn nhưng chia tách thành đơn vị quản lý thức ăn chín và đơn vị quản lý thức ăn sống. “Doanh nghiệp cần quản lý để cạnh tranh lành mạnh chứ không nên quản lý quá chặt làm doanh nghiệp không thể phát triển được”, ông Lượng kiến nghị.

Cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp

Để tạo cơ hội phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương đề nghị cần tăng cường các cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Họ là những doanh nghiệp không có tài sản và chỉ có bài toán kinh doanh, rất cần có cơ chế bảo lãnh, các quỹ hỗ trợ để có thể giúp doanh nghiệp phát triển mạnh”, ông Khương cho biết.

Mặt khác, theo ông Khương, khi tín dụng chính thống này được cải thiện, tín dụng đen sẽ khó có thể tung hoành gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Ông Khương cũng đề xuất một số giải pháp giúp TP. Hà Nội cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, TP. Hà Nội phải định vị mình đang ở đâu và 20-30 năm nữa thì Thủ đô sẽ ở vị trí nào trên bản đồ quốc gia và khu vực. Như vậy, Hà Nội sẽ phải dựa vào những nguồn lực như thị trường vốn, khoa học công nghệ mới để xác lập vị trí trong vùng Thủ đô và khu vực, trở thành trung tâm liên kết quốc tế có khả năng cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần xác định ngành nghề, phân khúc sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết, phát triển sản phẩm mới theo hướng bền vững; cần có những chính sách hỗ trợ tín dụng tốt để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Bà Mai Thị Thuỳ cũng cho rằng, cần tạo điều kiện cung cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. “Không có vốn, doanh nghiệp không thể tồn tại được chứ chưa thể nói đến việc đầu tư cho quản trị tài chính, nâng cao công nghệ, do đó, khó có thể phát triển bền vững”, bà Thuỳ nói.

Ngoài ra, cần thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại đến với các loại hình doanh nghiệp. “Thực trạng hiện nay là nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ chỉ có khoảng 40-50 nhân viên, mặc dù hoạt động tốt, hàng hoá chất lượng và mong muốn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài nhưng vẫn chưa được với lý do doanh nghiệp chưa đủ lớn, điều này cần phải thay đổi”, bà Thuỳ chia sẻ.

Diệu Anh

 

Top