Lợi ích rõ từ chuỗi thực phẩm nông sản an toàn

09/01/2020 4:30 PM

(Chinhphu.vn) - Để giúp người tiêu dùng Thủ đô được thụ hưởng sản phẩm an toàn, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và mang lại lợi ích rõ ràng, góp phần phát triển ổn định, tránh tình trạng “được mùa - mất giá”.

Nông sản sạch được bán ở các cửa hàng, siêu thị. Ảnh: Thành Nam

Kết thúc năm 2019, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và duy trì 142 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản, tăng 21 chuỗi so với năm 2018, trong đó, có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 83 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.

Điển hình như chuỗi nông sản an toàn của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), hiện nay, đang cung cấp nhiều sản phẩm cho hệ thống siêu thị Big C, Vinmart và các bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố. Thông qua việc cung ứng vào chuỗi nông sản an toàn, thương hiệu của hợp tác xã ngày càng được khẳng định, được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận. Có thể thấy rằng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm nông sản an toàn đã góp phần tăng lợi thế các mặt hàng tham gia chuỗi, tạo đầu ra ổn định, bền vững, tránh tình trạng “được mùa - mất giá”.

Bên cạnh việc phát triển chuỗi, ngành Nông nghiệp Hà Nội còn hỗ trợ xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ, như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Đồng thời, hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi và nhân rộng các mô hình chuỗi an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội cũng tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn. Đến cuối năm 2019, Ban điều phối đã xây dựng và phát triển được 770 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 227 chuỗi so với năm 2018, trong đó, có 259 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT, tăng 61 chuỗi được xác nhận so với năm 2018.

Đánh giá hiệu quả của việc xây dựng chuỗi thực phẩm nông sản an toàn, theo ông Tạ Văn Tường, không những bảo đảm nông sản “sạch” cho người tiêu dùng Thủ đô, mà còn góp phần đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch trên địa bàn thành phố, như: Quy hoạch chăn nuôi, thủy sản, giết mổ, sơ chế, chế biến..., từng bước hình thành các vùng nguyên liệu để phục vụ cho các chuỗi sản phẩm. Việc xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bước đầu đã hình thành các điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi, được giám sát thường xuyên và nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng, nhằm kết nối sản phẩm an toàn, nâng cao niềm tin với người tiêu dùng…

Việc xây dựng các chuỗi thực phẩm nông sản an toàn đã tạo tiền đề quan trọng cho chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế rõ rệt. Từ đó, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Việc tham gia vào các chuỗi thực phẩm, còn làm thay đổi lớn nhận thức của các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản về sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, công tác kết nối các khâu của chuỗi giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được các hợp đồng ổn định lâu dài, chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đáng nói, hiện nay, cơ chế, chính sách trong xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể; lợi nhuận phân phối chưa công bằng giữa các tác nhân trong chuỗi. Trong đó, người kinh doanh bán buôn, bán lẻ nhận được nhiều lợi nhuận hơn so với người sản xuất; kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt, cá an toàn còn ít, khó mở rộng, khó duy trì mô hình sản xuất an toàn.

Để khắc phục tồn tại hạn chế trên, Sở đang tiếp tục tham mưu Thành phố hỗ trợ các đơn vị này đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết.

Đặc biệt là phát triển chuỗi truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình, gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng. Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATTP, đào tạo kiến thức ATTP cho người tham gia sản xuất; vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại chủ động liên kết, hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất.

Đi đôi với công tác tuyên truyền, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Sở NN&PTNT sẽ rà soát, củng cố việc xây dựng các chuỗi, đồng thời, mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...

Thành Nam

Top