Lụa Vạn Phúc - tự bao đời vẫn khiến trái tim thương nhớ

09/11/2018 8:46 PM

(Chinhphu.vn)-Làng lụa Vạn Phúc xưa vốn là một ngôi làng Việt cổ mang những nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Nơi đây, có nghề dệt lụa nổi tiếng trên 1.000 năm tuổi nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế.

Lụa Vạn Phúc nổi tiếng với nhiều loại lụa đẹp

Tiếng đồng vọng từ nguồn cội

Theo Thần phả làng Vạn Phúc hiện còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm và Ban Quản lý di tích phường Vạn Phúc, thì Đức Thành Hoàng làng là bà Ả Lã Đê Nương thuộc dòng dõi Vua Hùng, niêm hiệu sắc phong là Nga Hoàng Đệ Nhị Vương Phi. Vào giữa thế kỷ thứ 9 (khoảng năm 845) bà đã cùng chồng là Tướng Cao Biền đi du ngoạn, khi đi qua đất Vạn Bảo thấy nơi đây núi sống uốn khúc, long hổ ôm quanh, có ngôi chùa ở bên ngoài khu dân cư, hai bên hai giếng nước nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh.

Thấy nhân dân ở đây thuần hậu, bà bèn nói với Biền Công xin được ở lại ấp Vạn Bảo cho đến cuối đời. Bà dạy dân “Nam tắc sĩ nông- Nữ tắc chính trực”-Nghĩa là nam chăm lo việc học và làm ruộng, nữ lo tầm tang canh cửi. Bà cùng người giúp việc đã dạy nhân dân Vạn Bảo nghề Dệt lụa và trồng dâu nuôi tằm. Do công lao của bà đối với đất nước và địa phương nên được nhân dân tôn thờ là Thành Hoàng làng và là người khởi Tổ nghề Dệt lụa.

Với truyền thống cách mạng và bề dày kinh nghiệm của nghề dệt lụa cổ truyền cùng bàn tay khéo léo, tinh thần lao động cần cù và thông minh sáng tạo, người dân nơi đây đã tạo nên những tấm lụa mượt mà mang đậm văn hóa cổ truyền Việt Nam. Vạn Phúc đã sản xuất được nhiều loại gấm với màu sắc hoa văn rất phong phú như: Gấm tam thể (ba màu), ngũ thể (năm màu), thất thể (bảy màu)…lung linh biến đổi màu sắc tuỳ theo ánh sáng và góc nhìn. Đây là những mặt hàng quý, bền đẹp, tuy giá thành hơi cao.

Vào thời nhà Nguyễn, gấm Vạn Phúc được đem tiến vua. Trong những năm 40-50 của thế kỷ 20, lụa Vạn Phúc trở nên nổi tiếng trên thị trường Đông Dương và đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều nhất là các nước như: Nga, Mông Cổ, CH Séc, Pháp, Nhật…

Từ một sản phẩm thủ công, lụa Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hóa đơn thuần, trở thành sản phẩm văn hoá được coi là biểu tượng của cái đẹp. Sản phẩm tơ lụa Vạn Phúc gồm khoảng trên 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh khác nhau như: Băng hoa, Long phượng, mây bay, tứ quế, sa trơn, the trơn, đũi hoa, vân thọ đỉnh… Gần đây, Vạn Phúc đã nghiên cứu sản xuất ra loại sản phẩm lụa giảm nhàu, không phai, cải tiến kỹ thuật dệt chuyển dần sang tính chất sản xuất công nghiệp và đã trở thành một sản phẩm chiến lược thúc đẩy sự phát triển của làng nghề. Có thể nói làng nghề Vạn Phúc đã trở thành một trong số ít các làng nghề sống thực sự bằng chính những sản phẩm thủ công truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm giới thiệu với khách về các sản phẩm lụa nổi tiếng

Điểm đến thú vị về giá trị văn hóa

Hiện nay, Ban Quản lý di tích phường Vạn Phúc đã phối hợp với Hội người cao tuổi thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm kinh doanh sản phẩm lụa Vạn Phúc từ nguồn vốn xã hội hóa, gồm hai dãy nhà và khu phụ trợ với tổng số 22 gian hàng. Việc xây dựng và thành lập Trung tâm kinh doanh sản phẩm lụa Vạn Phúc đã góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nghề dệt cổ truyền, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đồng thời xây dựng phường Vạn Phúc trở thành một làng nghề truyền thống du lịch tiêu biểu, hiện đại.

Giữa tiết trời Thu đông giao thoa của Thủ đô, Tuần lễ văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2018 được tổ chức chính là điểm đến ấn tượng đối với du khách yêu và trân quý giá trị lịch sử, văn hóa , “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc.

Theo lời giới thiệu của cán bộ văn hóa trên địa bàn, chúng tôi đã được gặp gỡ và trò chuyện với đại diện hộ kinh doanh là ông Triệu Văn Mão-một trong những gia đình làm nghề truyền thống lâu đời uy tín bậc nhất của làng. Hiện nay, cụ Mão đã mất, thế hệ con cháu trong dòng họ nối tiếp kế thừa và phát huy nghề nghiệp của tổ tiên để lại. Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm-con dâu của cụ Mão chia sẻ :“Cụ đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê với lụa, với tơ, với khung dệt và giờ tôi cũng mong muốn các con, cháu duy trì tình yêu đó. Không chỉ là nghề của gia đình, là miếng cơm manh áo mà còn là bổn phận gìn giữ nếp nhà và những giá trị văn hóa bản sắc dân tộc. Lụa Vân là một trong những sản phẩm nổi tiếng và trở thành thương hiệu, niềm tự hào của gia đình họ Triệu. Quan điểm của gia đình tôi là kết hợp truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm lụa để phù hợp với thời đại và dòng chảy của kinh tế thị trường”.

Cũng theo cô Tâm, hiện nay gia đình cô thường có 10 nhân công với thu nhập trung bình 6-7 triệu/tháng, công việc ổn định, mang lại thu nhập tương đối tốt. Hơn thế, cũng may mắn tổ nghề phù hộ nên nghề lụa của gia đình, đặc biệt thương hiệu lụa Vân, được đông đảo khách hàng, du khách trong và ngoài nước biết đến và yêu thích.

Trong không gian đầy màu sắc trên con đường tơ lụa của làng lụa cổ truyền Vạn Phúc, thật thú vị khi chúng tôi bắt gặp mô hình làng nghề kết hợp du lịch do anh Nguyễn Văn Nam, một hộ kinh doanh có thâm niên gần 30 năm với nghề sáng tạo. Theo anh Nam, xuất phát từ những ý tưởng của bản thân trong việc quảng bá, giới thiệu đến du khách gần xa để hiểu và nắm bắt được quy trình sản xuất những tấm lụa mềm mại, tuyệt đẹp như thế nào.

Bên cạnh đó, được sự động viên, khích lệ từ chính quyền địa phương, anh Nam đã xây dựng mô hình du lịch thu nhỏ ngay tại Tuần lễ Văn hóa Du lịch Làng nghề Vạn Phúc. Tại đây, du khách có thể tận hưởng và cảm nhận những công đoạn cơ bản của quá trình sản xuất tơ, lụa và thu thập thêm thông tin hữu ích cho mình, được tận mắt chứng kiến hình ảnh sống động nhất của quy trình uơm tơ, dệt lụa thủ công…. Mô hình này thực sự đã thu hút các tour du lịch đến với làng nghề, và thêm trân quý giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.

"Lụa Hà Đông" cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại. Mặt hàng dệt tơ lụa Vạn Phúc có nhiều loại: Lụa, là, gấm, vóc, vân, the, bằng, quế... khổ vải thường là 90-97 cm.

Theo ca dao truyền miệng, nổi tiếng nhất trong các loại lụa Vạn Phúc có lẽ là lụa Vân - loại lụa mà hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt.

 “The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”.

Lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung có đặc điểm ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song Hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý... Bài hát “Áo lụa Hà Đông” thuộc thể loại Tình khúc những năm 54-75 của thế kỷ trước là một tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, phổ thơ Nguyên Sa. Bài thơ của Nguyên Sa có đoạn:

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng…”

Bài, ảnh: Thiện Tâm

Top