Luật Chăn nuôi Thú y-Chính sách tạo động lực phát triển ngành hiệu quả

18/05/2020 5:23 PM

(Chinhphu.vn) - Để thúc đẩy ngành chăn nuôi, thú y phát triển thì vấn đề chính sách được xem là vai trò quan trọng hàng đầu, tạo động lực và định hướng cho ngành chăn nuôi đi đúng, làm đúng và hiệu quả.

Tiêm phòng vắc xin phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm là một trong những chính sách hỗ trợ hiệu quả cho người chăn nuôi. Ảnh: Thiện Tâm.

Trao đổi với Trang tin điện tử Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đánh giá: Chính sách đã tạo động lực để nhà nước và nhân dân cùng làm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Những gì người dân không làm được thì nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ.

Xin ông cho biết, sau 70 năm xây dựng và phát triển ngành Thú y đến nay, ông đánh giá như thế nào về những chính sách đã xây dựng, góp phần cho sự phát triển của nền Thú y Việt Nam?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Chăn nuôi và Thú y có vai trò rất lớn nếu phát triển được các vấn đề về chính sách. Vì chính sách chính là nguồn tạo động lực để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Đặc biệt chính quyền các cấp sẽ quản lý và áp dụng chính sách để làm những vấn đề phát triển lớn hơn. Ví dụ như Hà Nội có chính sách về phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm; chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Bên cạnh vấn đề chuyên môn thuộc chăn nuôi yêu cầu các hộ phải làm cần phải có chính sách. Điển hình như hiện nay Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn đứng tốp đầu cả nước chính là nhờ có chính sách phát triển về giống, từ đó hỗ trợ cho người dân về con giống… Hay chính sách về phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ vaccine phòng những dịch bệnh nguy hiểm, như hỗ trợ về vaccine lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm… Tới đây nếu có vaccine về dịch tả lợn châu Phi thì việc đầu tiên là phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân thực hiện.

Có thể thấy chính sách đã tạo động lực để nhà nước và nhân dân cùng làm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Những gì người dân không làm được thì nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ. Sau đó, khi đã có đủ điều kiện rồi thì người dân có thể chủ động làm.

Ngoài ra, chính sách còn tạo động lực để người dân xây dựng các mô hình. Khi đã có chính sách rồi chính quyền cũng cần phải bảo vệ để xây dựng, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

Thưa ông, được biết Hà Nội chưa sắp xếp hệ thống thú y cơ sở, nhưng nhờ hệ thống này đã đóng góp vào thành quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh như thế nào, nhất là những dịch bệnh chưa có thuốc chữa?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Trong nhiều năm qua, có thể thấy hệ thống mạng lưới dưới cơ sở nói chung và hệ thống thú y cơ sở nói riêng rất quan trọng. Đây được xem là “chân rết” để phát hiện, phòng bệnh hiệu quả tại các địa phương. Bởi đối với dịch bệnh nếu không có giải pháp ngăn chặn ngay từ cơ sở thì rất dễ bị bùng phát trên diện rộng. Mạng lưới thú y chính là người phát hiện đầu tiên để ngăn chặn. Càng ngăn chặn sớm càng tốt. Thứ hai hệ thống ấy tổ chức tốt việc báo cáo cho chính quyền địa phương khi bị ở khu vực nào thì chính quyền địa phương sẽ xử lý kịp thời, hiệu quả và đỡ tốn kém chi phí.

Bên cạnh đó, hệ thống thú y cơ sở là những người trực tiếp đi triển khai như tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường, trợ giúp cho người nông dân trong việc phòng chống dịch bệnh (tuyên truyền, khám chữa bệnh trực tiếp…). Nhờ đó thời gian qua Hà Nội, mặc dù có tổng đàn chăn nuôi lớn nhưng ngoài dịch tả lợn châu Phi thì những dịch bệnh khác gần như được khoanh vùng xử lý ngay sau khi xảy ra, không để bùng phát dịch, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Trong 70 năm qua ông nhìn nhận điểm nhấn nào thúc đẩy sự nghiệp Thú y của Việt Nam?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Việc nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi là một trong những điểm nhấn hết sức quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp Thú y nước nhà phát triển. Thứ hai là vấn đề trang bị thiết bị máy móc hiện đại và kịp thời xử lý, ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả.

Điểm nhấn nữa chính là Luật thú y, Luật ra đời đã yêu cầu tất cả người dân phải thực hiện. Đây chính là điểm nhấn lớn nhất để yêu cầu các địa phương, người dân thực hiện đúng trách nhiệm, nhiệm vụ của mình. Sau đó Luật chăn nuôi ra đời, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, đây chính là tính pháp lý cao nhất để tất cả các tỉnh, thành phố phải tuân thủ thực hiện.

Phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư là hướng đi phát triển hiệu quả. Ảnh: Thiện Tâm.

Mới đây trong buổi tuyên truyền Luật chăn nuôi đến các địa phương có một vấn đề các địa phương bàn nhiều nhất đó chính là quy định cấm chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị. Hà Nội chia sẻ có 25% nông hộ bị ảnh hưởng và tác động khó khăn nhất là hiện nay đang xây dựng Nghị quyết để trình Hội đồng thông qua, trong đó có ngân sách hỗ trợ di rời, quỹ đất để chuyển đổi, như vậy còn vấn đề gì vướng mắc thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Hiện nay ngành Thú y Hà Nội cũng đã tham mưu Sở NN&PTNT để trình Hội đồng nhân dân ban hành quy định đó là cấm chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị. Hiện vấn đề này cũng đang được triển khai quyết liệt. Nhưng vấn đề cơ bản nhất là lấy ý kiến của tất cả các sở, ngành và các quận, huyện. Hiện nay Thành phố vần còn một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ… còn một phần chăn nuôi. Thứ hai tới đây một số huyện lên quận như Hoài Đức, Thanh Trì… đã có lộ trình rồi nhưng các huyện này có lượng chăn nuôi rất lớn. Đây cũng chính là khó khăn, thách thức đối với việc di rời: Một là di rời cũng đã là vấn đề khó, hai là vấn đề chính sách thực hiện như về đất đai, điều kiện chăn nuôi để di rời... hiện còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, hiện nay Hà Nội đang lấy ý kiến của tất cả các quận, huyện cho phù hợp. Thứ ba là nguồn kinh phí để hỗ trợ như thế nào. Nếu Trung ương có chính sách cụ thể thì dưới rất dễ áp dụng, nhất là các chính sách về di rời cụ thể, hỗ trợ đất đai…

Hà Nội hiện nay đang tháo gỡ tập hợp các ý kiến của các quận, huyện và đặc biệt là đối với các quận còn chăn nuôi. Cái quan trọng nhất là chính sách, kinh phí, theo đó Thành phố đang rà soát tổng số hộ chăn nuôi phải di rời trong thời gian tới. Nhưng cái khó là các nơi đang làm lộ trình như huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm… chăn nuôi rất nhiều nên số hộ lên đến 20%-25% bị tác động thì cũng phải xin ý kiến.

Tại sao trước đó Hà Nội không ý kiến mà để thành Luật rồi mới phát sinh vướng mắc? Một trong những vấn đề các địa phương đang bàn là về quy mô chăn nuôi hiện nay đưa ra thành các vùng. Hà Nội với quy định như vậy thuộc vùng đồng bằng sông Hồng Thành phố có khó khăn gì trong thực hiện thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Vấn đề đó Bộ NN&PTNT cũng có ý kiến, Hà Nội cũng đã có ý kiến và nhìn ra khó khăn nhưng thực tế đã ban hành Luật rồi thì đó phải là ý kiến chung của tất cả. Đặc biệt là của các nhà khoa học. Tôi nghĩ là khó gì thì khó nhưng vướng đâu thì chúng ta gỡ đấy. Hi vọng trong thời gian tới với sự quyết liệt, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT cũng sẽ tháo gỡ được cho các địa phương.

Về quy mô chăn nuôi Hà Nội không có khó khăn lớn lắm. Vì Hà Nội có quy mô chăn nuôi lớn, Luật cũng đã áp dụng và nêu rõ về quy mô lớn, vừa và nhỏ. Vấn đề này chúng tôi cũng thấy chưa gặp khó khăn như một số địa phương chăn nuôi ít trên địa bàn cả nước.

Thiện Tâm (thực hiện)

Top