Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo đột phá trong phát triển nhà ở nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân

28/11/2023 6:20 PM

(Chinhphu.vn) - Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xứng tầm với vị thế và vai trò của Thủ đô. Một trong những nội dung đáng chú ý là công tác phát triển nhà ở.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo đột phá trong phát triển nhà ở nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân- Ảnh 1.

Việc đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) những quy định mới kỳ vọng phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng trên địa bàn Thủ đô, nhằm bảo đảm cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có thu nhập thấp và đối tượng của chính sách nhà ở xã hội trên địa bàn thủ đô. Ảnh minh họa

Nâng cao chất lượng đời sống cho người thu nhập thấp

Công tác phát triển nhà ở được quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có tính kế thừa và sửa đổi Luật Thủ đô 2012 với những quy định đối với phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng trên địa bàn Thủ đô.

Trong đó, yêu cầu trách nhiệm của chủ đầu tư phải hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi đưa công trình nhà ở vào khai thác sử dụng là quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ của việc xây dựng nhà ở với việc xây dựng, hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Qua đó bảo đảm tốt nhất nhu cầu sinh sống, làm việc của người dân (khoản 1 Điều 31).

Quy định này là cần thiết để hạn chế chủ đầu tư của những khu nhà ở thương mại chậm trễ trong việc phát triển đồng bộ hạ tầng khi đưa công trình nhà ở vào sử dụng.

Đáng chú ý, quy định việc phát triển nhà ở xã hội ở Thủ đô theo mô hình căn hộ chung cư và giao UBND TP. Hà Nội quyết định quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại điểm a khoản 2 Điều này là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 80 và khoản 1 Điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi theo dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và đặc biệt phát huy được hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất khi xây dựng, hạn chế được tiêu cực trong công tác xây dựng nhà ở xã hội.

Việc phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, thuận tiện ở ngoài đô thị trung tâm, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp với mục tiêu phát triển các tuyến đường sắt đô thị và khu vực TOD (phát triển đô thị tại khu vực lân cận các nhà ga metro).

Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới khi phát triển đường sắt đô thị, khu vực TOD dọc các tuyến đường sắt cũng nhằm phát triển những khu vực sinh sống có chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện sống của người thu nhập thấp và những người thuộc đối tượng của chính sách nhà ở xã hội.

Đặc biệt, để bảo đảm chất lượng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của các khu nhà ở xã hội, điểm c khoản 2 Điều 31 quy định việc bố trí vốn ngân sách thành phố Hà Nội để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định "đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, UBND TP. Hà Nội giao cơ quan, tổ chức thuộc thành phố thực hiện giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong phạm vi ranh giới của dự án". Đây là những giải pháp có tính đột phá và đặc thù để Thủ đô Hà Nội có thể phát triển nhanh các khu nhà ở xã hội tập trung, đầy đủ điều kiện về hạ tầng.

Ngoài ra, điểm b khoản 2 Điều 31 cũng quy định cụ thể về công tác lập quy hoạch nhằm ngắn thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết so với thực hiện tuần tự theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị để có thể đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Với những quy định nêu trên tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong công tác phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng trên địa bàn Thủ đô. Từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030 cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp theo Quyết định 338/2023/QĐ-TTg của Chính phủ.

Phấn đấu 100% các khu công nghiệp được đầu tư xây dựng nhà ở công nhân vào năm 2030

Việc đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) những quy định mới kỳ vọng phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng trên địa bàn Thủ đô, nhằm bảo đảm cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có thu nhập thấp và đối tượng của chính sách nhà ở xã hội trên địa bàn thủ đô.

Mới đây, để nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập thấp TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch chỉnh trang các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 và phương án phát triển hệ thống các khu công nghiệp đến năm 2030 do UBND TP. Hà Nội vừa ban hành.

Theo đó, thành phố phấn đấu 100% các khu công nghiệp được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, thành phố thực hiện rà soát, chỉnh trang, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các KCN đang hoạt động trên địa bàn. Việc chỉnh trang cần phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan tại khu công nghiệp và sự phát triển chung của khu vực; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc của doanh nghiệp, cuộc sống của người lao động trong khu công nghiệp.

Theo kế hoạch, hạng mục chỉnh trang các khu công nghiệp sẽ bao gồm rà soát, triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, cải tạo xây dựng hạ tầng đồng bộ và xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở cho công nhân lao động.

Việc rà soát, chỉnh trang xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp được thực hiện hàng năm. Thành phố phấn đấu đến năm 2030 các khu công nghiệp sẽ được xây dựng đồng bộ, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Ngoài ra, đến năm 2025, thành phố phấn đấu xây dựng thêm được 1 đến 2 khu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp đang hoạt động. Đến năm 2030, toàn bộ các KCN của thành phố có nhà ở cho công nhân lao động kèm theo các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Trong đó, có 9 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, có tỉ lệ lấp đầy 100%, còn 1 khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và tích cực thu hút dự án đầu tư.

Trong tổng số 10 khu công nghiệp đang hoạt động có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở. Trong đó, thành phố đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ.

Trước đó, đầu tháng 11/2023, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi các sở, ngành, trong đó yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, bố trí dành quỹ đất để phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, nhà ở công nhân.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng yêu cầu ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố, khẩn trương rà soát, đánh giá, báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét, ban hành các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội, dự án bất động sản trong các khu công nghệ cao trên địa bàn theo trình tự thủ tục rút gọn.

Thùy Chi

Top