Luôn nguyện tấm lòng làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

21/08/2019 7:37 PM

(Chinhphu.vn) - Là thương binh hạng 2/4, cựu tù binh Phú Quốc, sau chiến tranh, ông Lâm Văn Bảng đã dành cả quãng đời còn lại để sưu tầm hơn 4 nghìn hiện vật chiến tranh để tri ân đồng đội. Ông là một trong số các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vừa được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

* Bác Hồ viết Di chúc - Văn kiện lịch sử vô giá

* Di chúc của Bác Hồ: Giá trị thực tiễn cho muôn đời

Ông Lâm Văn Bảng (bên phải ảnh) nhận những tư liệu quý giá về chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến để lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng - Ảnh: Việt Hà

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ vừa có cuộc trò chuyện với ông Lâm Văn Bảng.

Được biết ông cùng những thương binh, cựu tù Phú Quốc đã dày công sức sưu tầm và xây dựng nên Bảo tàng “Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày”. Bảo tàng được xây dựng trên khuôn viên của gia đình mà ông đã tự nguyện hiến đất. Xin ông cho biết vì sao ông lại quyết định như vậy?

Ông Lâm Văn Bảng: Tôi sinh ra trong gia đình có 5 anh em ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Nhập ngũ năm 1965. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tội bị địch bắt và giam ở nhà lao Biên Hòa, rồi đày ra Phú Quốc. Năm 1973, tôi cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris.

Trong nhà tù, tôi đã chứng kiến rất nhiều hình thức tra tấn dã man như thời trung cổ của kẻ địch đối với các chiến sĩ của ta. Những hình ảnh đồng đội bị địch tra tấn, cắt da, xẻo thịt, đóng đinh vào thân thể, đổ nước xà phòng đun sôi vào miệng, chôn sống... luôn luôn hiện hữu trong tâm trí tôi.

Năm 1979, tôi phục viên, chuyển ngành công tác, đến tháng 11/2003 thì nghỉ hưu. Trước khi nghỉ hưu, tôi và anh Chu Hữu Ngọc, cựu chiến binh, đã cùng nhau đi tìm đồng đội. Đó là một chuyến đi đặc biệt. Khi đến một số nghĩa trang lớn như Trảng Bàng, Dương Minh Châu, chúng tôi quyết định lấy đất, chân hương ở tất cả các nghĩa trang lớn trên toàn quốc về để sớm hôm phụng thờ hương khói anh em, đồng đội, bù đắp mất mát của những anh hùng liệt sĩ chưa tìm thấy người thân. Từ khi đó, chúng tôi đã quyết định thành lập bảo tàng ngoài công lập.

Với những suy nghĩ, tình cảm từ đáy lòng, tôi muốn làm việc gì đó để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở các chiến trường cũng như trong các nhà tù của địch ở thế kỷ 20. Tôi cũng muốn lưu giữ những tư liệu, hiện vật để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, giúp thế hệ mai sau thấy được công lao của Đảng, của Bác Hồ, của những chiến sĩ cách mạng, những người bị địch bắt, bị tù đày, bị tra tấn và hi sinh; cũng như các bậc tiền nhân đã xả thân cứu nước, trong đó có những người của thời kỳ đất nước có chiến tranh, đặc biệt là giai đoạn chống giặc Mỹ.

Việc xây dựng bảo tàng này cũng là việc chúng tôi muốn lưu giữ bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của kẻ địch, để mọi người hiểu sâu thêm rằng chiến tranh tàn khốc đã lấy đi xương máu của bao nhiêu lớp người, họ đã đối diện với tội ác tày trời của địch để có được hòa bình độc lập cho hôm nay.

Tôi cũng nghĩ, bảo tàng sẽ lưu giữ những hình ảnh, hiện vật là những minh chứng sống để chúng tôi báo cáo với Đảng, với quân đội, với nhân dân về lòng kiên trung bất khuất, trung thành với Đảng với dân, của những người chiến sĩ cách mạng bị giặc bắt giam, tù đầy.

Ông vừa nhắc tới những ký ức về quãng thời gian trong nhà giam của địch và chứng kiến những tội ác chiến tranh. Rất xin lỗi vì đã gợi lại ký ức buồn đau, nhưng ông có thể kể lại một vài chuyện để bạn đọc các thế hệ, đặc biệt là thế hệ hôm nay, hình dung ra mức độ tàn khốc của những hình thức tra tấn mà kẻ địch đã sử dụng với các chiến sĩ cách mạng của ta, cũng như những hoạt động của chiến sĩ cách mạng ngay trong chính nhà tù của kẻ địch, thưa ông?

Ông Lâm Văn Bảng: Ở trong nhà tù của địch, nhiều tấm gương bất khuất kiên trung đã chứng minh bản lĩnh và ý chí cách mạng của người lính cụ Hồ, của những đảng viên. Những chiến sỹ cách mạng kiên trung đó là những người con ưu tú của Đảng, đã luôn thực hiện những lời dạy của Bác, là nguồn động lực tiếp lửa cho chúng tôi trong cuộc đấu tranh với kẻ địch và ngọn lửa đó chưa bao giờ tắt trong tôi.

Tôi còn nhớ rõ về một kỉ niệm. Đó là chuyện anh Dương Bá Ngà bị địch dội nước xà phòng đun sôi vào miệng tra tấn. Trước khi mất anh ấy còn trăn trối, nhắn nhủ:

- Đồng chí nào còn sống thì về báo cáo với Đảng là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên.

Trước khi ra đi, anh ấy còn nghĩ đến trách nhiệm của người đảng viên và còn dặn dò các anh em, đồng chí phải đoàn kết, phải giữ lấy khí tiết của người đảng viên. Qua đó đã khẳng định được bản lĩnh của người bộ đội cụ Hồ, ngay cả khi sống trong lòng địch vẫn giữ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Tất cả những hình ảnh đó cứ mãi theo tôi.

Bản thân tôi khi ở trong nhà tù của địch cũng được tổ chức phân công trong cấp ủy và tập hợp anh em đấu tranh. Chúng tôi có suy nghĩ cần phải chia lửa cho tiền tuyến. Ở trong tù không phải là bó tay, mà phải có tổ chức đoàn thể để tiếp tục đấu tranh. Có những cuộc đấu tranh tuyệt thực, lan từ trại này sang trại khác. Hoặc là có những đợt tổ chức đào hầm vượt ngục bắt quân cảnh, đánh giám thị để giữ vững khí tiết. Nếu mình không đấu tranh, mình sẽ bị kẻ địch làm mất danh dự … Nhưng muốn đấu tranh phải có tổ chức. Muốn có tổ chức chặt chẽ thì phải có Đảng lãnh đạo. Chính vì vậy, ngay trong nhà tù của địch, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động của tổ chức Đảng để lãnh đạo các anh chị em đấu tranh và luôn là một khối vững chắc. Sự lãnh đạo của tổ chức Đảng trong nhà lao và sự đoàn kết của anh em tù rất cao, luôn thể hiện tinh thần của bộ đội cụ Hồ.

Chiến tranh qua đi, nghĩ về những ngày tháng trong tù, giữ vững niềm tin với Đảng và những lời dạy của Bác đối với người đảng viên, vì dân vì nước, tôi chỉ tâm niệm mình phải làm một điều gì đó. Như là việc xây dựng Bảo tàng này!

Khi ông thực hiện việc xây dựng một Bảo tàng tư nhân như thế này, ông có gặp khó khăn gì không?

Ông Lâm Văn Bảng: Khi tôi làm những việc này, người ta nói ông Bảng đem ma về nhà, gia đình nhà tôi băn khoăn nhiều lắm. Vợ tôi cũng nói vậy. Khi đó, tôi thuyết phục mọi người: “Đây không phải là ma, mà là đồng đội của tôi. Họ đã hy sinh, không có sự hy sinh đó thì không có ngày hôm nay, không có bà, và không có các con. Đây là việc làm trả nghĩa”. Dần dần, gia đình tôi cũng hiểu ra và ủng hộ việc làm của tôi.

Cũng có người nghĩ chúng tôi làm việc này để kinh doanh. Sự thật là tôi đã chắt chiu từng đồng, bán cả đất, bán cả căn nhà mặt phố để dành phần lớn đầu tư cho bảo tàng. Chắt chiu được gì tôi âm thầm lặng lẽ đưa vào đó. Tôi nghĩ, để mọi người hiểu được cũng không dễ.

Lúc đầu không có kinh phí hỗ trợ, nhưng chúng tôi vẫn làm. Chúng tôi không thể để một ngày đồng đội không có ai hương khói. Bây giờ, Thành phố đã hỗ trợ mỗi năm 250 triệu đồng, khoản hỗ trợ chưa đủ trang trải chi phí nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn với chúng tôi, giúp chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng bảo tàng này có ý nghĩa hơn đối với thế hệ sau.

Hiện nay, không chỉ duy trì việc trưng bày của bảo tàng, chúng tôi còn cùng nhau giúp thân nhân liệt sĩ tìm đồng đội đã mất, cùng nhau tìm lại đồng đội cũ còn sống. Có lần chúng tôi đi tìm đồng chí Phong ở Bắc Giang, cũng là cựu tù. Chúng tôi chứng kiến đời sống rất khổ của đồng đội. Không ai bảo ai, có bao nhiêu tiền trong người, chúng tôi đều gom hết để tặng anh ấy, tặng cả áo dài đang mặc trên người. Chúng tôi cũng đã về gặp lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và báo cáo lại, sau đó tỉnh đã hỗ trợ anh Phong xây nhà. Anh Phong đã sống thêm được vài năm, rồi anh ấy mất. Nghĩ về việc đó, tôi vẫn cảm thấy may mắn là chúng tôi đã có cơ hội để dành chút tình cảm với những đồng đội của mình.

Bảo tàng hoạt động, nhiều anh em đoàn thể cũng biết, tìm đến và có nhiều câu chuyện làm chúng tôi cảm động lắm. Có những chị phụ nữ ở Bến Tre, Cần Thơ đã cùng nhau đi bán vé số, nhặt và bán ve chai kiếm tiền ra bảo tàng thắp hương cho đồng đội. Các chị đi bằng xe đò ra thăm Lăng Bác rồi qua thăm bảo tàng. Có những hôm đã rất khuya, khoảng 23 giờ đêm, vẫn có đoàn từ trong Nam ra xin vào thắp một nén hương. Hàng ngày, đón những đoàn khách đến tham quan, chúng tôi rất xúc động, như đoàn nạn nhân chất độc da cam từ Sài Gòn ra, rồi có cả những đoàn người mù cũng đến thăm bảo tàng...

Những hình đó ảnh đó như liều thuốc để thúc đẩy anh em chúng tôi làm việc tốt hơn. Tôi nghĩ mình có làm thế hay làm nữa cũng chưa thể so được với những hy sinh của đồng đội. Việc chúng tôi làm là niềm tin của mình với Đảng và phải làm cho xứng đáng với lời dạy của Bác.

Ông Lâm Văn Bảng trò chuyện với các cháu thếu nhi về những tư liệu cách mạng - Ảnh: Việt Hà

Khi được chọn là một trong số gần 26 tấm gương tiêu biểu trong thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã suy nghĩ như thế nào?

Ông Lâm Văn Bảng: Chiến tranh đã rời xa rất lâu, đất nước đã có nhiều thay đổi. Làm sao để giữ được phẩm chất của người đảng viên và làm đúng như lời dạy của Bác, là trăn trở của chúng tôi.

Di chúc của Bác có thể được coi như bảo vật quốc gia, như kim chỉ nam, không thực hiện thì ta chệch hướng và khi chệch hướng thì sẽ đổ vỡ hết.

Người xưa đã nói, người có tín ngưỡng hay niềm tin với điều gì thì phải làm theo, phải thực hành. Trong niềm tin đối với Đảng, với Bác, thì mỗi đảng viên cần làm đúng như những lời Bác dạy, để thực hành những điều đơn giản nhất. Với tôi, tôi luôn nguyện tấm lòng làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi muốn nói rằng, chúng tôi là những người đã từng ở trong nhà tù của địch, là những người đã từng mất đi tự do nên thấu hiểu lời dạy của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta giành được tự do độc lập, nên giữ vững vai trò của Đảng là giữ vững độc lập tự do.

Kẻ địch rất biết lợi dụng để chia rẽ. Đó là những trải nghiệm thực tế của chúng tôi trong cuộc đấu tranh cách mạng, trong nhà tù. Rất nhiều người không trải qua, không tận mắt chứng kiến tội ác và âm mưu của kẻ địch thì không hiểu được âm mưu thâm độc đó.

Chính vì thế, chúng tôi có tâm nguyện là giáo dục truyền thống để giúp đỡ thế hệ trẻ hiểu được và giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó góp phần thực hiện tốt tâm nguyện của Bác, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh và làm cho người dân được ấm no hạnh phúc.

Những điều trong Di chúc của Bác thật đơn giản và giản dị. Tất cả những điều Bác dạy rất gần gũi với đời thường. Chúng tôi vẫn nghĩ để lớp con cháu có thể hiểu được thì mình vừa làm vừa thực hành, làm tấm gương cho con cháu noi theo chứ tôi không ép buộc.

Ý nguyện của chúng tôi là được truyền lại cho con cháu hiểu được những giá trị của tự do, độc lập.

Đi nói chuyện với những người trẻ tuổi, chúng tôi nói rằng nếu như một đất nước mà người dân không hiểu được truyền thống của dân tộc mình, không thấy được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình thì không thể phát triển được. Đối với mỗi người Việt Nam, nếu như không thấy được sự lãnh đạo vĩ đại của Đảng, sự hy sinh lớn lao của những người tù cách mạng, thì cũng sẽ thành nô lệ cho đồng tiền. Nên việc giáo dục truyền thống truyền thống cách mạng của một dân tộc, nét đẹp văn hóa của một dân tộc là vô cùng cần thiết.

Bàn tay thì có ngón dài ngón ngắn, không tránh khỏi được chuyện này chuyện khác. Nhưng ưu việt của chế độ ta, của Đảng ta là vì đất nước, vì dân tộc. Nếu ta làm tốt được việc đó thì chúng ta thành công. Nghị quyết TW4 (khóa XI, XII) vừa qua đã cho thấy Đảng đã có một quyết sách lớn; quyết tâm của Đảng để lấy lại lòng tin của người dân đối với Đảng.

Sau 50 năm, Di chúc của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Bác đã nghĩ về vấn đề xây dựng Đảng, về việc lấy dân làm gốc, lo cho người dân ấm no hạnh phúc, xây dựng cho đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn. Những người đảng viên là lãnh đạo chỉ cần vận dụng những lời dạy trong Di chúc của Bác, biết lo cho dân, cho nước thì sẽ tạo được sự đồng thuận và giữ được vai trò, niềm tin của người dân với Đảng, với người cán bộ.

Tôi nghĩ, tôi là một người chiến sĩ, đảng viên thì phải trung thành tuyệt đối với Đảng, phải luôn luôn tự hào là người bộ đội cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Tôi sẽ luôn đi theo lời dạy của Bác và tiếp tục xây dựng bảo tàng ngày càng có giá trị hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

* Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng sinh năm 1943. Địa chỉ thường trú tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; là Bí thư chi bộ, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Năm 1963, sau khi tốt nghiệp cấp II trường phổ thông, ông Lâm Văn Bảng đi làm công nhân giao thông. Năm 1965, trước tình hình giặc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, ông lên đường nhập ngũ, được biên chế vào đại đội 16, trung đoàn 52, sư đoàn 320. Tháng 2/1966, đơn vị của ông đi B vào Nam chiến đấu.

Ông Lâm Văn Bảng là thương binh hạng 2/4, là cựu tù binh Phú Quốc (từ năm 1970 đến 1973).

Việt Hà (thực hiện)

Top