Luôn nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người”

20/11/2017 2:10 PM

(Chinhphu.vn) - Lần đầu tiên Hà Nội xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, với nhiều thầy cô đây là sự ghi nhận đối với các thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm dạy dỗ các thế hệ học sinh Thủ đô, là sự động viên, cổ vũ để các thầy cô luôn nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người”.

cô Phan Hồng Anh - Bí thư chi Đoàn giáo viên, giáo viên dạy Toán trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Ảnh: Gia Huy

Luôn lắng nghe học sinh

Là một trong những tấm gương “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, cô Phan Hồng Anh (Bí thư chi Đoàn giáo viên, giáo viên dạy Toán trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam) chia sẻ về kinh nghiệm trong vai trò là giáo viên chủ nhiệm: “Điều tạo nên kết nối giữa giáo viên và học sinh, quan trọng nhất là sự lắng nghe các em học sinh”.

Là giáo viên trẻ của trường Hà Nội-Amsterdam, cô Phan Hồng Anh đã có những thành tích nổi bật như: Giải đặc biệt Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” cấp toàn quốc năm 2017; Bằng khen dành cho Nhóm trưởng của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Toán học trẻ Quốc Tế IMC 2016… Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Phan Hồng Anh đã thực hiện đổi mới các tiết sinh hoạt lớp thông qua các hoạt động giáo dục.

Theo cô Hồng Anh, hiện nay, mục tiêu giáo dục phổ thông đã chuyển từ chủ yếu là trang bị kiến thức cho học sinh sang trang bị các kĩ năng cơ bản, hình thành và phát triển cho các em khả năng làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với người khác và với xã hội, để thực hiện hiệu quả mục tiêu rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, các giá trị văn hóa, lối sống cho học sinh.

Chính vì vậy, cô Hồng Anh đã nghiên cứu để đổi mới những tiết sinh hoạt lớp với nội dung được nâng cao chất lượng, sử dụng các giải pháp tổ chức các hoạt động tích cực, khắc phục lối sinh hoạt quen thuộc. Từ những tiết sinh hoạt lớp được đổi mới, học sinh rất yêu thích và mong chờ đến giờ sinh hoạt lớp. Qua các hoạt động, học sinh sẽ được rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản như: Kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, kỹ năng thể hiện sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe tích cực, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng tìm kiếm và xử lí thông tin ...

Thông qua đó, các học sinh có thể tiếp nhận các tri thức, những suy nghĩ, giá trị quan đúng đắn một cách tự nhiên, không áp đặt, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức và lối sống cho các em.

Năm học 2016-2017, cô Hồng Anh đã hệ thống lại và hoàn thiện chuyên đề đổi mới sáng tạo: "Nâng cao chất lượng buổi sinh hoạt lớp bằng các giải pháp tổ chức các hoạt động giáo dục tích cực hóa học sinh" trong phần thi chuyên môn của Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” cấp Toàn quốc. Với nhiều ý tưởng đổi mới, hiệu quả, nâng cao chất lượng giờ sinh hoạt lớp cô đã được Ban Giám khảo đánh giá cao và đạt giải đặc biệt của Hội thi, được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Cô Hồng Anh cho biết: “Học sinh hiện nay rất tự chủ và năng động sáng tạo, từ khi đổi mới các tiết sinh hoạt lớp, học sinh thích thú hơn và mong chờ các tiết sinh hoạt lớp, các em học sinh cũng mong muốn được gần gũi hơn và chia sẻ cuộc sống nhiều hơn với giáo viên”.

Bên cạnh đó, cô Hồng Anh đã cùng  các giáo viên đạo các CLB của trường Hà Nội-Amsterdam có nhiều hoạt động góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống như: Câu lạc bộ GHA với chuỗi sự kiện Green Life về môi trường, truyền tải những bức thông điệp ý nghĩa thông qua chủ đề mỗi chương trình, góp phần nâng cao nhận thức của các học sinh về giá trị của những di sản thiên nhiên cũng như vấn đề văn hóa bảo tồn; CLB Smile với hàng loạt sự kiện nâng cao nhận thức của mọi người về dị tật hở hàm ếch, kêu gọi quyên góp giúp đỡ những trường hợp khó khăn, thu hút được sự tham gia và chia sẻ của rất nhiều bạn học sinh trong trường… Các hoạt động ngoại khóa góp phần giúp học sinh trong tương lai, khi các em học sinh đã trưởng thành, dù đi tới mọi miền trên thế giới, các em vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thống và tiếp tục lan tỏa những nét đẹp đó cho các thế hệ mai sau.

Thầy Nguyễn Cao Cường hiện là Chủ tịch Công đoàn, Giáo viên trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa. Ảnh: Gia Huy

Đổi mới phương pháp để học sinh hứng thú với giờ học

Thầy Nguyễn Cao Cường hiện là Chủ tịch Công đoàn, Giáo viên trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa. Trong năm học 2016-2017, thầy đã đạt Giải Ba cấp Quốc Gia cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning năm học 2016-2017 cùng các giải thưởng khác như: Giải Nhì cấp Thành phố cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning; Giải Nhất cấp Thành phố môn Công nghệ trong hội thi giáo viên dạy giỏi…

15 năm trong nghề dạy học, thầy giáo Nguyễn Cao Cường luôn có ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. 

Là giáo viên giảng dạy môn Toán đồng thời là giáo viên chủ nhiệm, thầy Nguyễn Cao Cường đã không ngừng học tập, trau dồi các phương pháp dạy học mới, tìm hiểu thêm tâm lí học lứa tuổi THCS và áp dụng vào công tác chủ nhiệm, công tác giảng dạy. Nhờ đó, lớp thầy chủ nhiệm luôn là một trong những lớp dẫn đầu về các hoạt động của nhà trường, tỷ lệ học sinh đỗ vào THPT cao, nhiều học sinh đạt giải như giải Quốc gia bài thi liên môn, giải toán Hoa Kỳ AMC8...

Năm học 2016 - 2017 là năm học đầu tiên mà các nhà trường thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong đó dạy học là một trong những hoạt động đi đầu. Với suy nghĩ bài giảng của mình đến được với học sinh một cách dễ dàng, dễ tiếp cận và hiệu quả, thầy Nguyễn Cao Cường đã thực hiện thiết kế bài giảng điện tử E-learning. Bài giảng của thầy giúp cho học sinh có thể học bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào bằng các thiết bị kết nối internet một cách hiệu quả, hứng thú. Bài giảng đã đạt giải Ba cấp Quốc gia, giải Nhì cấp Thành phố và giải Nhất cấp Quận trong cuộc thi Thiết kế bài giảng E-Learning lần thứ 4, năm học 2016-2017.

Chia sẻ về danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ nhất năm học 2016-2017, thầy Nguyễn Cao Cường cho biết, giải thưởng về bài giảng điện tử là xu hướng mới mà nhiều nước đã áp dụng từ lâu, ở Việt Nam đã áp dụng nhưng còn đơn lẻ. Chính vì vậy, thầy Nguyễn Cao Cường hy vọng trong thời gian tới tất cả các thầy cô sẽ áp dụng bài giảng điện tử để tạo thành kho tư liệu lớn giúp cho người học kết nối với các thầy cô từ xa, như vậy sẽ cập nhật kiến thức nhanh, giúp ích nhiều cho học sinh phổ thông hiện nay.

Hòa An

Top