Luôn tâm huyết đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Thủ đô

20/11/2020 9:30 AM

(Chinhphu.vn) - Đóng góp vào sự nghiệp giáo dục Thủ đô, nhiều thầy giáo, cô giáo luôn tràn đầy tâm huyết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt lên hoàn cảnh khó khăn của bản thân để cùng xây dựng ngành giáo dục Thủ đô phát triển.

Thầy Nguyễn Đức Trường, trường THCS Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh Hòa An

Tấm gương về nghị lực phi thường

Thầy Nguyễn Đức Trường (Trường Trung học cơ sở Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là một trong mười cá nhân được UBND TP. Hà Nội tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020.

Do ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam, từ bé đôi chân thầy Nguyễn Đức Trường bị chứng teo cơ nên đi lại hết sức khó khăn, là tấm gương về nghị lực phi thường vươn lên, khắc phục khó khăn về sức khỏe để đạt được những thành công trong suốt 27 năm đứng trên bục giảng.

Bằng những kinh nghiệm giảng dạy môn Toán và niềm say mê với môn học này của bản thân, thầy Trường đã tìm ra những phương pháp giảng dạy linh hoạt, khơi gợi và khuyến khích tính chủ động, khả năng tự học ở học sinh bằng cách đưa vào bài giảng những bài toán có tính thực tiễn cuộc sống. Đó là các đề toán vui, toán đố làm đường, tường rào, xây nhà...  Nhiều học sinh từ niềm tin yêu, ngưỡng mộ thầy mà quyết tâm học để trở thành giáo viên dạy Toán, tiếp bước thầy truyền ngọn lửa đam mê cho các thế hệ sau.

Là Tổ trưởng tổ Tự nhiên Trường Trung học cơ sở Đa Tốn, cộng với niềm say mê sẵn có với môn Toán, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã tìm ra phương pháp truyền cảm hứng đến các đồng nghiệp. Thầy đã cùng các đồng nghiệp xây dựng nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đổi mới phương pháp giảng dạy. Mỗi năm học, tổ Tự nhiên do thầy Trường phụ trách đã bồi dưỡng hàng trăm em học sinh của huyện.

- Cô Dương Thu Nguyệt là giáo viên trường THPT Đa Phúc. Ảnh nhân vật cung cấp

Tạo nên các “Lớp học hạnh phúc”

 Cô Dương Thu Nguyệt là giáo viên trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) sau 4 năm Đại học với chuyên ngành sư phạm Hóa, cô trở về công tác tại trường Đa Phúc cùng với những người thầy người cô đã từng dạy mình.

Cô đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy bộ môn Hóa học và công tác chủ nhiệm lớp. Với mong muốn học sinh biết chia sẻ suy nghĩ của mình, cô đã cho các con viết “Điều con muốn nói” để các con viết lên những cảm nhận của mình về bố mẹ, thầy cô, bạn bè; tổ chức cuộc thi “Góc học tập xinh đẹp” với mục đích cho các con biết yêu cái góc nhỏ nơi các con thường xuyên sử dụng, biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống của mình khoa học.

Trong công tác giảng dạy, cô tạo nên các “Lớp học hạnh phúc” để không bỏ rơi bất kì học sinh nào trong lớp, phụ đạo miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và những học sinh có lực học yếu trong lớp. “Lớp học hạnh phúc” còn được xây dựng từ các “Giờ học hạnh phúc”. Để tăng sự hứng thú trong mỗi giờ học, cô thiết kế được khá nhiều trò chơi trong dạy học mang tên “Con số may mắn” “Băng truyền”, “Tiếp sức” “Ô chữ bí mật”, hay tìm chất “Đố bạn biết tớ là ai?” để khơi gợi sự tò mò vốn có của học sinh; hay đem cả những trò chơi mà các con yêu thích như “Cờ caro” vào bài học.

Môn Hóa học do cô phụ trách được học tập dưới nhiều hình thức thể hiện sinh động, qua cuộc thi Hoa khôi phân bón, qua cuộc đấu giá “Fish tank”, vở kịch “Chuyện nhà nông”, qua biến tấu từ tác phẩm văn học Tấm Cám. Qua các giờ học này, học sinh từng ngày yêu Hóa học hơn. Nhóm học sinh “Yêu Hóa học” tạo không gian để cô trò trao đổi các vấn đề Hóa học với cuộc sống và các câu chuyện liên quan đến Hóa học ở mọi lúc, mọi nơi. Từ đó, nhiều học trò có tiềm năng hóa học được phát hiện, tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi thành phố và làm các đề tài khoa học kĩ thuật.

Góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và phân luồng học sinh

Còn thầy Nguyễn Văn Toàn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (thị xã Sơn Tây) cho biết, Trung tâm là cơ sở giáo dục công lập, định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2030 trở thành Trung tâm Hướng nghiệp và Trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh địa phương, giúp cho học sinh có điều kiện được tham quan trải nghiệm về lĩnh vực nghề nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và phân luồng học sinh. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề sơ cấp, nghề xã hội cho mọi đối tượng người dân có nhu cầu thông qua các khóa đào tạo kỹ năng nghề nghiệp. Năm học 2020-2021, trung tâm có 750 học viên, 17 lớp học văn hóa học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Năm học 2019-2020, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Giáo dục thường xuyên Sơn Tây đạt 93%, vượt 32% so với năm học trước. Để có được kết quả trên, ngoài việc bảo đảm triển khai những nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch, Trung tâm đã tập trung tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên, khích lệ được đội ngũ cán bộ, viên chức và tập thể học viên cùng quyết tâm phấn đấu xây dựng tập thể đoàn kết, tiến bộ và vững mạnh; luôn tạo được hứng thú cho thầy và trò trong các hoạt động dạy và học.

Để giúp học viên vượt qua tâm lý ngại học, thúc đẩy việc tự giác tham gia học tập, Trung tâm đã áp dụng nhiều biện pháp tâm lý tác động như phân công giáo viên thường xuyên trao đổi, tìm hiểu, động viên để các em bộc lộ suy nghĩ, khó khăn trong học tập, giúp các em có động lực và xác định rõ mục tiêu, từ đó tự thân các em có nhu cầu và tự nguyện học tập; chia nhóm học viên theo năng lực để có phương pháp hỗ trợ phù hợp; tổ chức các chuyên đề dạy học kỹ năng để học viên học tập hiệu quả, trang bị cho các em kỹ thuật làm bài kiểm tra, bài thi tốt nghiệp.

Đối với học viên yếu kém sẽ được giáo viên hướng dẫn, kèm cặp riêng, giúp các em rèn luyện, bổ sung từng đơn vị kiến thức cơ bản nhất. Đối với những trường hợp học viên cá biệt, trung tâm luôn làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh, giúp phụ huynh hiểu rõ hơn con em mình, kiên trì với biện pháp quản lý và giáo dục của trung tâm, giúp học viên nhận thức đúng và thực hiện đúng nội quy - quy chế. Với những cách làm đó, nhà trường luôn được phụ huynh tin tưởng và ủng hộ.

Hòa An

Top