Mang lại sức sống mới cho các khu chợ Hà Nội

16/11/2018 5:17 PM

(Chinhphu.vn) - Ở nhiều thành phố, ngoài việc tạo ra công việc cho các tiểu thương và cá nhân, chợ còn là điểm đến văn hoá - du lịch, thu hút du khách. Chợ là một trong những công trình công cộng đô thị thiết yếu và đóng góp lớn vào việc thúc đẩy kinh tế cho các thành phố.

Chiều 16/11, Hội Kiến trúc sư Hà Nội phối hợp với Tổ chức Health Bridge (Canada) tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Diện mạo mới cho chợ truyền thống trong đô thị”.

Tại Hà Nội, với 160 chợ dân sinh tại khu vực nội thành và 294 chợ dân sinh ở các khu vực ngoại thành, Thành phố thực sự có tiềm năng và nền tảng tốt để phát huy hiệu quả và nâng tầm ảnh hưởng của chợ truyền thống trong phát triển kinh tế và du lịch. Theo báo cáo năm 2017 của trường Đại học Adelaide, hơn 40% lượng thực phẩm hằng ngày vẫn được người dân Hà Nội mua từ các chợ dân sinh truyền thống.

Với người Hà Nội, chợ vẫn là một phần quan trọng của cuộc sống, là nơi cung cấp thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng và đa dạng. Hơn thế nữa, mối quan hệ thân thiết giữa người mua và người bán còn giúp xây dựng một cộng đồng gắn kết.

Trên cơ sở đó, từ tháng 10-11/2018, HealthBridge Việt Nam đã phối hợp cùng Hội kiến trúc sư Hà Nội và Tổ hợp sáng tạo kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật AGOhub tổ chức dự án đào tạo, nghiên cứu có tên “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội”.

Dự án với sự tham gia của kiến trúc sư Steve Davies, người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu về chợ và đã từng tham gia nâng cấp hơn 500 chợ và các không gian công cộng khác trên khắp thế giới. Steve Davies đã làm việc với gần 20 kiến trúc sư tại Hà Nội để nghiên cứu và đề xuất các ý tưởng thiết kế nâng cấp một số chợ truyền thống của Hà Nội, đặc biệt là quan tâm tới 10 yếu tố tạo nên sự thành công của chợ gồm: vị trí địa lý, người bán hàng, thiết kế gian hàng, định hướng phát triển, khả năng kinh doanh, phương pháp quản lý, hình thức/kiến trúc, chất lượng không gian công cộng, phương thức quảng bá, mạng lưới các đối tác.

Thông qua dự án này, các kiến trúc sư tại Hà Nội không chỉ thực hiện việc thiết kế kiến trúc chợ mà còn có cơ hội nghiên cứu về chợ với một phương pháp tiếp cận mới với sự tham gia của cộng đồng. Các phương án đề xuất căn cứ trên nhu cầu của cộng đồng gồm người sử dụng dịch vụ, các tiểu thương, các đơn vị quản lý. Các nghiên cứu được đề cập bao gồm nhưng không giới hạn ở các khía cạnh như tính dễ dàng tiếp cận cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, người cao tuổi và người khuyết tật, duy trì và quản lý môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vận hành gian hàng hiệu quả…

Trong khuôn khổ dự án, 3 khu chợ dân sinh với những đặc điểm riêng đã được chọn làm đối tượng nghiên cứu. Cả ba khu chợ này ngoài chức năng cung cấp thực phẩm tươi sống cho người dân trong khu vực, chúng còn có nhiều tiềm năng khác như phát triển kinh tế, trở thành các không gian công cộng chất lượng, hoặc các điểm đến hấp dẫn du khách. Đó là chợ Châu Long (Ba Đình), chợ Ngọc Lâm (Long Biên), chợ Hạ-Mê Linh.

Thông qua dự án, các bên đề xuất chính sách phát triển, nguồn vốn đầu tư và đối tác để phát triển chợ truyền thống; chợ cần có những quy định, tiêu chuẩn về quản lý chợ nói chung và quản lý vệ sinh môi trường tại chợ nói riêng. Thiết kế chợ cần quan tâm tới tính khả thi kỹ thuật và nguồn vốn và bền vững duy trì, cũng như kế hoạch thực hiện theo giai đoạn. Việc cải thiện chợ cần thực hiện thí điểm để có những kinh nghiệm từ đó phát triển các mô hình phù hợp tại địa phương…

Kiến trúc sư Steve Davies cho biết, Dự án này sẽ góp phần đưa ra một tầm nhìn mới cho việc phát triển chợ truyền thống tại Hà Nội, nhằm huy động giá trị nhiều mặt của chợ và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hôi bền vững của Thành phố.

Bích Phương

Top