Mạng lưới thương mại tăng, đáp ứng nhu cầu người dân

17/08/2018 12:40 PM

(Chinhphu.vn)-Những năm qua, với số lượng trung tâm thương mại tăng lên gấp hơn 2 lần, siêu thị và cửa hàng tiện lợi tăng mạnh, hệ thống chợ trải rộng khắp thành thị và nông thôn đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm rất lớn của người dân Thủ đô.

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Thùy Linh

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ở thời điểm cuối năm 2008, Thành phố có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị thì đến nay, thành phố đã có 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị,  hơn 700 cửa hàng tiện lợi trải rộng khắp từ các quận nội thành đến các huyện ngoại thành.

Không chỉ có hệ thống bán lẻ hiện đại, rộng khắp, mạng lưới chợ của Hà Nội cũng đã thay đổi rõ rệt cả về số lượng và cơ sở hạ tầng. Vào thời điểm tháng 12/2008, trên toàn Thành phố có 355 chợ, trong đó có 5 chợ đầu mối nông sản, 15 chợ loại I, 49 chợ loại II và 286 chợ loại 3. Đến nay, Thành phố hiện có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng I, 64 chợ hạng II, 314 chợ hạng III, 61 chợ chưa phân hạng.

Thành phố đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý tại 161 chợ/454 tổng số chợ toàn địa bàn (chiếm khoảng 35,5%), trong đó có 58 chợ do hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác,103 chợ do doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác. Đã có 422/454 chợ được phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng(chiếm 93%),có 435/454 chợ có nội quy hoạt động (chiếm khoảng 96%).

Hà Nội cũng đã thiết lập khoảng gần 10 chuỗi liên kết thực phẩm, rau, quả… Nhờ hạ tầng được cải thiện, hàng hóa dồi dào, lĩnh vực bán lẻ của Hà Nội ngày càng phục vụ tốt hơn không chỉ với nhu cầu tiêu dùng nội địa, mà còn đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đầu tư. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng trung bình 10% năm.

Ngành Công Thương Hà Nội đang đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành thương mại bình quân đạt 13%/năm. Tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới thương mại - dịch vụ hiện đại chiếm từ 50-55% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội, tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 18-20%. Theo Kế hoạch số 117/KH-UBND về triển khai phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn Thành phố thì Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển 52 trung tâm mua sắm; 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng 2, 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ, 1.000 cửa hàng tiện lợi; 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng.

Dự kiến, đến năm 2025, Thành phố sẽ  đưa vào khai thác hai trung tâm logistics, hai cảng cạn ICD, một cảng thủy công-ten-nơ quốc tế, năm trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho hàng chuyên dụng.

Sẽ thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng thương mại

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, trong khi hiện tại Hà Nội mới có 22 trung tâm thương mại, 124 siêu thị, 454 chợ và khoảng 700 cửa hàng tiện lợi kinh doanh tổng hợp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Thành phố vẫn cần phải rất nỗ lực. Các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn hiện nay chủ yếu phục vụ bán lẻ. Thành phố chưa có các trung tâm thương mại quốc tế, các trung tâm bán buôn và trung tâm logistics lớn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, việc xây dựng hạ tầng thương mại thời gian qua gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực và phương thức điều hành, quản lý chưa hiệu quả. Quỹ đất trong khu vực nội đô hạn hẹp cho nên khó bố trí mặt bằng cho các khu thương mại, dịch vụ. Tại khu vực ngoại thành, nhu cầu và thu nhập của người dân hạn chế cho nên khó phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại.

Cùng với vấn đề hạ tầng thì công tác quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thương mại sao cho hiệu quả cũng đang là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư và chính quyền.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố sẽ tăng cường các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống thương mại trong một chiến lược phát triển thương mại tổng thể. Trong đó tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm để khắc phục các khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực...

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Semmaris (Pháp) về việc khảo sát, nghiên cứu xây dựng chợ đầu mối nông sản quốc tế tại Hà Nội. Theo biên bản này, hai bên sẽ thành lập bộ phận đầu mối để liên lạc, theo dõi, triển khai các hoạt động liên quan việc khảo sát, nghiên cứu tiền khả thi việc xây dựng chợ đầu mối nông sản quốc tế tại Hà Nội để từ đó tiến hành các bước tiếp theo.

Thùy Linh

Top