Mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm bảo vệ đê điều

20/05/2019 1:20 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù đã có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc đôn đốc xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều nhưng số vụ vi phạm bị xử lý còn hạn chế.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, trong năm 2018 trên địa bàn thành phố xảy ra 197 vụ vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai. Địa bàn xảy ra nhiều vi phạm là: Thường Tín 36 vụ, Gia Lâm 32 vụ, Ba Vì 22 vụ, Sóc Sơn 19 vụ… Trong 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố phát sinh 56 vụ.

Các loại hình vi phạm chủ yếu là tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên một số tuyến đê. Đặc biệt là tại các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông Hồng, sông Đuống, khu vực tập trung nhiều làng nghề ven đê Tả Đáy, huyện Hoài Đức diễn biến phức tạp. Xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên đê đã làm cho nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp, giảm khả năng chống lũ cũng như ảnh hưởng đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê.

Hiện thành phố có 203 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng. Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống tập trung nhiều tại địa bàn các quận, huyện, thị xã: Ba Vì 17 bãi, Sơn Tây 16 bãi, Phúc Thọ 6 bãi, Đan Phượng 10 bãi… đã gây ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của đê kè, bờ sông và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông công trình bảo vệ bờ và gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận. Một số bến bãi xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc từ thép, đắp bờ quây sát mép bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ.

Bên cạnh đó còn tình trạng chủ bến tập kết, kinh doanh cát đen không rõ nguồn gốc, trung chuyển vật liệu xây dựng bằng xe có tải trọng lớn làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê vẫn đang diễn ra ở nhiều bến bãi. Qua kiểm tra có 44 bãi nằm trong khu vực kè, 20 bãi không nằm trong quy hoạch tập kết gần chân đê và 14 bến, bãi chất tải vật liệu xây dựng cao trên 3 mét.

Ngoài loại hình vi phạm nêu trên thì hiện nay vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông diễn ra ở một số khu vực như Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì… Việc khai thác cát trái phép không theo quy hoạch là nguyên nhân chính gây hạ thấp lòng sông, đáy sông, làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và hạ thấp mực nước mùa kiệt, gây ảnh hưởng xấu đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi ven sông.

Đặc biệt, hiện nay vẫn còn một số loại vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm chưa được xử lý như vi phạm xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi bảo vệ đê còn tồn đọng nhiều trên tuyến đê tả Đáy, địa bàn huyện Ứng Hòa; tuyến đê hữu Cầu, tả Cà Lồ, huyện Sóc Sơn; tình trạng xây dựng lò gạch với quy mô lớn tại khu vực bãi sông Hồng; đổ xỉ lò, phế thải gốm sứ ra bãi sông, lòng sông, trong phạm vi bảo vệ công trình kè, xã Bát Tràng; vi phạm quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Long Biên.

Trước thực trạng này, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão đã tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm, tuy nhiên, số vụ vi phạm được xử lý còn hạn chế. Năm 2018 xử lý 50 vụ. Trong đó có 19 vụ tồn đọng từ năm trước. Có thể thấy năm 2018, các quận, huyện, thị xã chủ yếu mới dừng ở việc có văn bản đôn đốc, chỉ đạo, việc tổ chức cưỡng chế, giải tỏa vi phạm chưa được chính quyền cơ sở thực sự quan tâm nên kết quả xử lý vi phạm đạt thấp.

Trong 4 tháng đầu năm 2019 xử lý được 9 vụ, trong đó có 6 vụ tồn đọng từ năm trước. Tỷ lệ vi phạm được xử lý còn thấp, số vụ vi phạm tồn đọng còn nhiều do chính quyền một số quận, huyện, xã, phường chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện việc ngăn chặn giải tỏa. Cơ quan trực tiếp quản lý đê điều chưa phối hợp tốt với chính quyền và các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm.

Có thể thấy, với số lượng km đê các loại trên địa bàn thành phố lớn cùng với tốc độ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội sôi động tại các vùng ven đê, nhu cầu về vật liệu xây dựng, đất đai rất lớn. Trong khi đó việc tổ chức di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê theo quy định của Luật Đê điều chưa được thực hiện đã dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, nhiều năm gần đây không có báo động lũ đã dẫn đến tư tưởng chủ quan, một số cấp chính quyền địa phương coi việc xử lý, giải tỏa vi phạm chỉ là hình thức, không dứt điểm, vi phạm lại tái diễn. Ngoài ra, công tác quản lý trật tự xây dựng tại một số địa phương còn lỏng lẻo, công tác ngăn chặn và xử lý, giải tỏa vi phạm chưa được chính quyền cơ sở thực sự quan tâm.

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị, để tăng cường công tác bảo vệ đê điều Hà Nội cần phối hợp trong quản lý, ngăn chặn, xử lý và giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều các đơn vị địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý đê điều trên địa bàn thành phố; xác định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá nhân có thẩm quyền. Đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; xử lý có hiệu quả các trường hợp về vi phạm và từng bước hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố.

Thiện Tâm

Top