Mở đường cho hoa quả Thủ đô xuất khẩu

14/05/2016 3:00 PM

(Chinhphu.vn) – Theo đánh giá của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoa quả khu vực miền Bắc đang đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, các thị trường nhập khẩu khó tính đòi hỏi việc kiểm dịch thực vật rất khắt khe. Tại Hà Nội, một trung tâm chiếu xạ đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đó.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đến thăm Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Dũng

Cơ hội và thách thức

Cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cho phép nhập khẩu 4 loại quả chiếu xạ của Việt Nam gồm: Thanh long, chôm chôm, quả vải và nhãn. Năm 2015, Bộ Nông nghiệp Australia cũng cho phép nhập khẩu quả vải tươi chiếu xạ của Việt Nam. Tuy nhiên, khi đó chỉ có 2 thiết bị chiếu xạ ở Bình Dương được phép xử lý chiếu xạ hoa quả nên việc xuất khẩu quả vải vẫn rất hạn chế do chi phí vận chuyển tăng mạnh.

Không chỉ quả vải, theo ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, nếu giữ được đà tăng trưởng như năm 2015, rất có thể năm nay xuất khẩu hoa quả tiếp tục có những thắng lợi mới, tuy nhiên vấn đề vận chuyển xa để chiếu xạ sẽ làm “đội” chi phí sản xuất lên rất nhiều.

Để giải quyết vấn đề đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã làm việc với nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân xúc tiến đầu tư cơ sở chiếu xạ ở phía Bắc (Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam). Sau thời gian tích cực triển khai thực hiện, dự án đã hoàn thành với việc lắp đặt mới hệ thống kho lạnh đầu vào và đầu ra, trên diện tích 200 m2. Hạ tầng cơ sở chiếu xạ được nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc xử lý chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu theo quy định.

Hiện nay, cơ sở đó đã hoàn thành việc nâng cấp. Cục Bảo vệ thực vật được Bộ NN&PTNT giao theo dõi, đánh giá cơ sở đó xem có đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hay không. “Chúng tôi đã làm việc và gửi hồ sơ sang phía Australia để họ xem xét có đáp ứng yêu cầu chiếu xạ xuất khẩu sang nước này. Dự kiến, vụ vải năm nay, những lô vải xuất khẩu đầu tiên sẽ được chiếu xạ tại Hà Nội”, ông Hà cho biết.

Tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội nằm trên đường quốc lộ 32, quận Bắc Từ Liêm, ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm cho biết, với tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, đến nay, trung tâm đã hoàn tất việc nâng cấp, đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện chiếu xạ cho mặt hàng nông sản như: Vải, nhãn ở phía Bắc từ vụ thu hoạch năm 2016. Ngoài hệ thống kho lạnh đầu vào, đầu ra, trung tâm còn bổ sung thêm các khu vực bến bãi cho xe container ra vào, khu vực đóng gói, nâng cấp hoạt độ nguồn xạ.

Chiếu xạ được xem là một công nghệ “lành” vừa có khả năng diệt hoàn toàn vi khuẩn, vi sinh vật, vừa tăng thời gian bảo quản cho sản phẩm lên đến hàng tháng. Công nghệ này được nhiều quốc gia như Úc, Canada, Mỹ… ưa chuộng và yêu cầu bắt buộc hoa quả tươi khi xuất khẩu vào nước họ phải áp dụng biện pháp này.

Mở đường cho người dân và doanh nghiệp

Với việc trực tiếp chiếu xạ ở Hà Nội, doanh nghiệp có thể giảm được từ 15 – 16 triệu đồng chi phí/tấn so với việc vận chuyển vào miền Nam như trước đây đồng thời rút ngắn được thời gian vận chuyển, kéo dài thời gian bảo quản, giữ được chất lượng sản phẩm lâu hơn.

“Với vai trò là đơn vị sự nghiệp khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ chiếu xạ phục vụ đời sống, chúng tôi sẽ kiến nghị đơn vị chủ quản có cơ chế giảm bớt chi phí chiếu xạ cho doanh nghiệp, dự kiến ở mức 6.000 đồng/kg” - ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm chia sẻ.

Mỗi ngày, trung tâm có thể chiếu xạ cho 5 - 10 tấn hàng hóa. Về kỹ thuật, có thể khẳng định tương đương với các nước trong khu vực.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở NN&PTNT hiện nay diện tích cây ăn quả chiếm gần 80% tổng diện tích cây lâu năm và chiếm 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Những cam Canh, bưởi Diễn, bưởi Cát Quế, bưởi Vân Hà… đã được Hà Nội nâng tầm từ những đặc sản của đia phương trở thành các sản phẩm hàng hóa với việc chứng nhận các nhãn hiệu tập thể.

Để thúc đẩy phát triển cây ăn quả, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao giai đoạn 2012 – 2016. Từ đề án này, các cán bộ của Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội đã sát cánh cùng các nhà vườn để hướng dẫn các quy trình kỹ thuật, quản lý, chỉ đạo sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ.

Chưa nói đến tiềm năng xuất khẩu, riêng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội đã khoảng 960 nghìn tấn/năm. Đặc biệt, người dân thủ đô đang có xu hướng tăng dần tiêu thụ hoa quả nhập khẩu do lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm.

Như vậy, sự ra đời của Trung tâm chiếu xạ tại TP Hà Nội không những giúp được các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả giảm được chi phí vận chuyển để đưa hoa quả Việt lên đường xuất ngoại. Hy vọng hơn, việc ra đời của Trung tâm chiếu xạ là phương cách để người tiêu dùng quay trở về và tăng cường niềm tin với hoa quả nội địa bằng chính những trái cây tươi, sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Nguyễn Dũng

Top