Một đời khôi phục, giữ lửa làng nghề

10/10/2017 9:28 AM

(Chinhphu.vn) - Với quyết tâm giữ lại nghề truyền thống cha ông để lại, ông Lê Bá Chung (sinh năm 1960) người làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) quyết định khởi nghiệp bằng con đường tiền nhân đã chọn. Đó là làm sống dậy làng nghề sơn son thếp vàng sau hơn 50 năm mai một.

Nghệ nhân Lê Bá Chung với sản phẩm làng nghề Kiêu Kỵ. Ảnh: Bích Phương

Say sưa cống hiến cho mảnh đất nghề

Lớn lên trong gia đình có 3 đời làm nghề sơn son thiếp vàng, ngọn lửa nghề đã được truyền lại và hun đúc trong ông Lê Bá Chung từng ngày. Năm 1981, ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Lê Bá Chung trở về địa phương và chọn nghề gia truyền để gây dựng kinh tế.

Chúng tôi có dịp đến nhà ông Lê Bá Chung vào một buổi sáng mùa thu nắng vàng dịu nhẹ. Sau khi mời chúng tôi uống chén trà, ông Lê Bá Chung hào hứng kể cho chúng tôi nghe về mảnh đất hội tụ nhiều cá nhân kiệt xuất, cũng là nơi phát tích nghề dát vàng bạc quỳ độc nhất vô nhị với bề dày truyền thống trên 300 năm.

Trải qua bao thăng trầm, lúc thịnh lúc suy nhưng người làng nghề chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề cha truyền con nối. Ông Lê Bá Chung kể, thời ấy, nhu cầu về vật liệu sơn son thếp vàng trang trí cho các công trình đền, đài, miếu, mạo ở kinh thành rất lớn và yêu cầu về chất lượng, sức sáng tạo cũng nâng tầm lên nhiều, khiến cho người thợ thủ công phải nỗ lực, tìm tòi thêm nhiều kỹ thuật tô vẽ, trang trí mới nhằm đáp ứng nhu cầu đó.

Sự ra đời của kỹ thuật dát vàng, bạc quỳ thủ công ở Kiêu Kỵ không chỉ thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe trong việc trang hoàng, tô điểm cho các công trình tâm linh ở một trong những giai đoạn thịnh vượng nhất của nhà Lê mà còn giúp cho người dân làng Kiêu Kỵ có đời sống ấm no, thịnh vượng.

Để nhiều người học được nghề hơn, ông Chung tự mày mò nghiên cứu, cho ra quy trình sản xuất mới, từ 40 công đoạn nay chỉ còn 20 công đoạn và công đoạn nào cũng cần kinh nghiệm, kỹ thuật, thao tác tinh xảo.

Ông Lê Bá Chung chia sẻ: “Chẳng hạn như công đoạn đầu tiên là bồ hóng, nhựa thông và keo da trâu phải được trộn với nhau đánh đến khi tan nhuyễn và được giã trên cối đá nửa ngày tạo ra một loại mực nho cô đặc để lướt quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4 cm được kén từ loại giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mỏng và dai... Công đoạn nào cũng mất nhiều thời gian, cần sự tỉ mỉ, nhưng đánh quỳ là công đoạn khó nhất”.

Ông Chung cho biết thêm, muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục với trên 1.400 nhát búa và chỉ cần lơ đãng, búa quỳ sẽ đập vào ngón tay gây tai nạn. Đe để đánh quỳ cũng làm bằng tảng đá nhẵn mịn, rắn chắc. Búa chuyên dụng phải là búa cán dài, có sức nặng. Miếng quỳ được cho là đạt chất lượng khi đạt độ mỏng đều, mịn, gỡ ra không bị rách…

Không những vậy, việc đánh quỳ cần sự tinh tế, chính xác, vì vậy không nên làm việc nặng quá, không được rượu bia, thức khuya… Mỗi ngày chỉ nên đánh khoảng 6 -7 quỳ là đẹp, làm nhiều hơn sẽ mỏi tay, xấu quỳ. Một sản phẩm được đánh giá cao đòi hỏi người thợ phải khéo tay, tán làm sao để khi sờ tay vào sản phẩm miết và mịn như bột, khi dát vào tượng lau đi phải bóng đều, đẹp mắt.

Với cái tâm tận tụy với nghề, năm 1989, ông đã nghiên cứu tìm ra chất giấy thay thế giấy gió không phải nhập khẩu từ nước ngoài; đồng thời, cải tiến đập diệp, máy xay mực, lướt cả tờ to để giảm ngày công lao động. Ông được các cụ trong làng và các nghệ nhân, các gia đình sản xuất thừa nhận cải tiến kỹ thuật và truyền thống nghề giữ gìn văn hóa truyền thống, khôi phục nghề đã bị mai một. Ông Lê Bá Chung chia sẻ, sản phẩm dát vàng quỳ cũng là niềm tự hào của người dân Kiêu Kỵ. Một sản phẩm không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của người nghệ nhân trong từng sản phẩm. Vậy nên nghề làm vàng, bạc quỳ của Kiêu Kỵ vẫn giữ được chất lượng và vị thế độc đáo, duy nhất trên khắp cả nước, nhận được sự đánh giá cao của không chỉ bạn hàng trong nước, mà của khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…

Mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ nghề cha ông

Mở lớp dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: Bích Phương

Mong muốn làng nghề phát triển bền vững, ông Chung lại là người "đứng mũi chịu sào", vận động bà con phát triển làng nghề từ gia đình thành tổ hợp sản xuất, hợp tác xã. Đây là điều không hề đơn giản. Ông Lê Văn Yêm, một nghệ nhân cao niên của làng nghề cho biết, do tính chất của nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ nên hiếm người trẻ muốn theo học. Những người thợ trong làng phần nhiều là người tỉnh khác tới xin học và làm nghề.

Chính vì vậy, ông Chung đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) mở 5 lớp dạy nghề (35 học viên/lớp), với tổng số 175 học viên tham gia, góp phần giữ gìn và đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề truyền thống thiếp vàng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Từ việc khơi dậy niềm tự hào trong lòng người dân địa phương về nghề truyền thống của cha ông, các lớp học của ông ngày càng đông học viên theo học. Một số thợ giỏi còn cùng ông đi làm công trình trên khắp cả nước.

Đến nay, trong làng đã có Hợp tác xã quỳ vàng Kiêu Kỵ và 13 tổ hợp tác, 60 hộ cá thể với tổng số hơn 500 lao động, thu nhập bình quân của mỗi người từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Cùng với việc bảo tồn nghề dát vàng truyền thống, ông Chung và các đồng nghiệp trong Hội Dát vàng quỳ đã nghiên cứu phục hồi thành công nghề sơn son thếp vàng, đồng thời tổ chức đào tạo các lớp thợ từ Bắc vào Nam. Các thành viên của Hội Dát vàng bạc quỳ còn chủ động mở hàng chục lớp dạy nghề tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Ba Vì cho hơn 1.000 lao động nông thôn và nhiều phạm nhân đang trong thời gian cải tạo giam giữ, giúp họ có nghề để sống lương thiện khi hòa nhập cộng đồng.

Dấu ấn nghệ nhân Lê Bá Chung và những người thợ tài hoa của làng Kiêu Kỵ đã và đang trải dài khắp mọi miền đất nước. Từ những công trình di tích lịch sử như Văn Miếu, Đền Ngọc Sơn, tượng phật chùa Hưng Phúc... đến Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia... đều có bàn tay điêu luyện của người dân Kiêu Kỵ. Chính những con người thầm lặng, bền bỉ như nghệ nhân Lê Bá Chung đã góp phần bảo tồn, phát triển những nét tinh hoa văn hóa dân tộc.

Với những đóng góp không nhỏ của mình, năm 2004, ông Lê Bá Chung được UBND TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Năm 2016, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Mới đây, ông được tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017.

Bích Phương

Top