"Năm kỷ cương hành chính" với nhiều kết quả nổi bật

31/12/2017 4:25 PM

(Chinhphu.vn) - “Năm kỷ cương hành chính” 2017 kết thúc với nhiều giải pháp quyết liệt và trọng tâm thực hiện để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, Qua đó, TP.Hà Nội đã có kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ.

Nhiều đột phá trong cải cách hành chính

Cải cách hành chính tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá được Hà Nội tổ chức, triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung tại các cơ quan, đơn vị, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Nhờ vậy, Hà Nội đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan hành chính nhà nước.

Chỉ số CCHC của Hà Nội được đánh giá là tăng 6 bậc, xếp thứ 3 cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay. Đây là năm thứ 4 liên tiếp chỉ số PCI của Hà Nội tăng hạng và là năm đầu tiên Hà Nội bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt 97,33%. Ứng dụng CNTT trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế được đẩy mạnh, tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%.

Hiệu quả trong sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ

Năm 2017, một trong những lĩnh vực nổi bật của Thủ đô là TP.Hà Nội đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Trung ương và nhân dân đánh giá cao.

Thành phố đã tổ chức sắp xếp các Ban QLDA, các quỹ đầu tư thuộc Thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp Thành phố, cấp quận, huyện. Việc thực hiện sắp xếp này được tiến hành song song với việc rà soát cơ chế để khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án tự chủ một phần và tự chủ hoàn toàn các chi phí thường xuyên đến năm 2020.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp 70 Ban QLDA đầu tư xây dựng thành 41 ban (giảm 41,4%); giảm 73/108 phòng (67,6%); giảm 7/23 trụ sở làm việc (30,4%); hợp nhất Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất, Quỹ Bảo vệ môi trường thành Quỹ đầu tư phát triển Thành phố; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp: đơn vị trực thuộc sở giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (30,2%). Theo dự kiến, đến năm 2021 sẽ có 208 đơn vị tự chủ chi thường xuyên. 100% sở, ban, ngành, UBND các cấp xây dựng xong quy chế làm việc; đã hoàn thành thành khung năng lực của từng vị trí việc làm các cơ quan hành chính Thành phố; đến hết tháng 12/2017 hoàn thành tại tất cả các cơ quan, đơn vị sự nghiệp cấp Thành phố, cấp huyện, cấp xã.

Năm 2018, Hà Nội sẽ xây dựng đề án thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; sắp xếp, tổ chức lại các thôn, tổ dân phố; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học hợp lý; thu gọn lại các điểm trường phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, thí điểm đổi mới, xã hội hoá các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các địa bàn có khả năng xã hội hoá cao; sắp xếp, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Cải thiện môi trường đầu tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Trong cả năm qua, Hà Nội đặt mục tiêu tiên phong trong cả nước về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ. Mục tiêu là xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các sáng kiến cải cách nhằm rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung thủ tục hành chính. Tạo sự đột phá về thu hút đầu tư, cả trong nước và đầu tư nước ngoài.

Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư các dự án ngoài ngân sách đạt 181.142 tỷ đồng (tăng 28%); vốn đăng ký FDI ước đạt 3,4 tỷ USD (tăng 9,3%); tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 308,5 nghìn tỷ đồng (tăng 11%); cấp đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 doanh nghiệp (tăng 11%), vốn đăng ký đạt 240 nghìn tỷ đồng (tăng 4%), lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn là 231,9 nghìn doanh nghiệp. Thành phố đã xây dựng “Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp” với các giải pháp đồng bộ để phấn đấu đạt mục tiêu 400.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, năm 2017, Hà Nội đã tổ chức hơn 200 khóa đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; tư vấn miễn phí trên 100.000 lượt cho doanh nghiệp; tổ chức đối thoại về khởi nghiệp; hỗ trợ các Start-up tiếp cận vốn, công nghệ, mặt bằng sản xuất, chuyên gia, lao động. Cùng với đó, Thành phố đã chính thức vận hành “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo". 

Mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực này của năm 2018 là thúc đẩy khởi nghiệp thông qua chiến lược phát triển thành phố thông minh; thúc đẩy nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính sách thúc đẩy được thực hiện qua khuyến khích thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm; thúc đẩy các hoạt động hình thành cộng đồng đầu tư cho khởi nghiệp; thường niên (hoặc 2 lần/năm) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế giới thiệu các dự án khởi nghiệp tiềm năng cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2017, Hà Nội được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn và thuộc tốp 10 Thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới; xếp hạng thứ 3 trong tổng số 20 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Trong năm qua khách du lịch của Thành phố đạt 23,8 triệu lượt (tăng 9%), trong đó: khách quốc tế 4,95 triệu lượt (tăng 23%), tổng thu từ khách du lịch tăng 15%. 

Phương hướng TP.Hà Nội đặt ra để tiếp tục phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là xây dựng chiến lược tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước với quy mô, trình độ chuyên nghiệp; nghiên cứu tổ chức thí điểm phương án xã hội hoá công tác lập quy hoạch để bảo đảm yêu cầu chất lượng quy hoạch phát triển các sản phẩm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế, gắn với thu hút các nguồn vốn của xã hội vào thực hiện hiện các dự án đầu tư; 

Đối với phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch: Chú trọng thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các dự án đầu tư phát triển du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế (trung tâm hội nghị triển lãm, công viên vui chơi giải trí, các bảo tàng, nhà hát…); xây dựng cơ sở vất chất để tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế thu hút khách du lịch.

Ban hành và thực hiện các quy tắc ứng xử

Năm 2017, Hà Nội đã ban hành và triển khai thực hiện quy tắc ứng xử trong các cơ quan thuộc Thành phố và quy tắc ứng xử nơi công cộng. Quy tắc ứng xử nơi công cộng quy định những việc nên làm và không nên làm ở nơi công cộng với mục đích từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội và xây dựng Thành phố thanh lịch, văn minh.

Quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô có kỷ cương, có trách nhiệm, tận tình và thân thiện. Đồng thời định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội.

Hai quy tắc đã được TP.Hà Nội triển khai sâu rộng đến các địa phương, đơn vị trên địa bàn và bước đầu có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và người dân trong giao tiếp ứng xử thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Gia Huy

Top