Nạn hàng giả, hàng nhái: Đòi hỏi sự vào cuộc tích cực để ngăn chặn, xử lý

09/12/2019 4:12 PM

(Chinhphu.vn) - Thành thông lệ, dịp cuối năm, câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lại “nóng” lên. Mặc dù các cơ quan chức năng Thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng nghìn vụ song vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng. Để ngăn chặn hoạt động này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng đòi hỏi sự tích cực vào cuộc của cả doanh nghiệp.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại một cửa hàng xe đạp. Ảnh: Thùy Linh

Liên tiếp phát hiện hàng giả, hàng nhái

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trên cả nước qua kiểm tra đã phát hiện 6.597 vụ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách 19 tỷ đồng. Riêng TP. Hà Nội đã phát hiện gần 1400 vụ sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Ngày 24/10, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 kiểm tra căn hộ 1836 nhà CT12C Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai), phát hiện 164 chiếc điện thoại Samsung, iPhone... không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, Đội QLTT số 8 và Đội QLTT số 14 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) qua 11 cơ sở kinh doanh quần áo tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) đã tạm giữ 6.567 sản phẩm quần, áo, thắt lưng các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Gần 3.000 sản phẩm các loại như đồng hồ, kính mắt, quần áo giả các thương hiệu nổi tiếng như Hublot, Dior, Gucci...cũng đã được phát hiện tại đây.

Đánh giá về tình trạng hàng giả lộng hành thị trường những tháng cuối năm, Phó cục trưởng Cục QLTT TP. Hà Nội Nguyễn Công San cho rằng, nạn hàng giả diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, số lượng, diễn ra ở nhiều mặt hàng, lĩnh vực. Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện, bao bì, tem nhãn.

Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó chuyển bán sang địa phương khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Đối tượng sản xuất hàng giả không chỉ là người Việt Nam mà có cả người nước ngoài nên việc xác minh lý lịch đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu

Theo các chuyên gia, để chống hàng gian, hàng giả có hiệu quả hơn thì phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng. Bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp luật, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ nay đến Tết, Hà Nội sẽ triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả. Các lực lượng chức năng Hà Nội như Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Công an, Hải quan… sẽ đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như lương thực, thực phẩm, nhóm mặt hàng điện tử, đồ điện gia dụng, thời trang, hóa, mỹ phẩm; thực phẩm chức năng...

Về địa bàn, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra tại các điểm tập kết, kho hàng tại các quận, huyện: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên... và trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, các cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài, ga đường sắt quốc tế Yên Viên... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm tại siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa hàng đông lạnh, các chợ truyền thống, các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh. Đẩy mạnh ngăn chặn các đối tượng lợi dụng hàng hóa khan hiếm trong dịp Tết để đầu cơ găm hàng, ép giá, gây bất ổn thị trường...

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, đã có công văn chỉ đạo các đội QLTT kiên quyết xử lý hành vi buôn và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết Canh Tý 2020. Theo đó, trước và sau Tết Canh Tý 2020, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra liên ngành đối với mặt hàng quần áo, vải, phụ liệu may mặc, túi xách, giày dép, đồ da, đồng hồ, kính mắt... và kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa trước.

Các chuyên gia cho rằng, muốn ngăn chặn hàng giả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan pháp luật thì doanh nghiệp chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc đến các cơ quan thực thi khi phát hiện bị vi phạm. Ông Phạm Bá Dục, Phó chủ tịch Hội chống Hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội lý giải, khi sản phẩm của doanh nghiệp bị xâm phạm bản quyền thì người bị hại chính là doanh nghiệp-những người chủ thương hiệu, chủ nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đồng hành, chưa bảo vệ thương hiệu của mình đây chính là cơ hội để hàng giả xâm nhập vào thị trường.

Do đó, để ngăn chặn hàng giả đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu. Công nghệ là một trong những biện pháp cần thiết để phòng và chống. Có thể là cài đặt mật khẩu, sử dụng tem, mã PR Corde, hay sử dụng cả blockchain - công nghệ mới trong thời kỳ 4.0 để bảo vệ thương hiệu cho mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cần cập nhật thêm kiến thức mới để có những biện pháp đầy đủ, an toàn và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị mình.

Thùy Linh

Top