Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các KCN, KCX

05/05/2016 5:24 PM

(Chinhphu.vn) - Với vị thế là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, trong những năm qua, Hà Nội luôn đi đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Góp phần vào thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), đặc biệt là nguồn nhân lực nơi đây.

Hà Nội có nguồn nhân lực có trình độ cao- Ảnh minh họa

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các KCN, KCX, khu công nghệ cao (KCNC) Hà Nội đã có những đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 9 KCN hoạt động với diện tích 1.200 ha (tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90% diện tích đất công nghiệp; 2 KCN đang xây dựng hạ tầng, diện tích 108 ha), thu hút 602 dự án, trong đó, có 312 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 4,9 tỷ USD.

Các KCN đã đóng góp gần 40% giá trị sản lượng công nghiệp, 40% kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho gần 140.000 lao động, đóng góp ngân sách Thành phố trên 2.200 tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô.

Theo quy hoạch dự kiến của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, toàn Thành phố sẽ có 33 KCN, KCNC đi vào hoạt động. Bình quân, mỗi năm các KCN của Hà Nội giải quyết việc làm cho 7.000 đến 10.000 lao động.

Quy hoạch đến năm 2020, các KCN, KCNC của Hà Nội sẽ tạo việc làm cho nửa triệu lao động. Điều này đòi hỏi nguồn lao động của Thủ đô cần phải lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là lao động có trình độ cao.

Tạo cơ hội để phát triển nguồn nhân lực

Theo ông Ngô Chí Hùng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KCN, KCX Hà Nội, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và nguồn nhân lực cho KCN Hà Nội nói riêng cần hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo những ngành nghề có nhu cầu cao và cấp thiết.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần ưu tiên đầu tư ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực; duy trì và phát triển các đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao; khuyến khích các cơ sở đào tạo đầu tư, hoàn thiện các cơ sở vật chất, đổi mới nội dung, chương trình, thường xuyên nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, giáo viên để cải thiện chất lượng đào tạo.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường lao động; tăng cường sự phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực; rà soát, bổ sung sửa đổi các cơ chế chính sách về ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư nhà ở xã hội cho các KCN, KCX theo hướng ưu đãi hơn;...

Riêng đối với các doanh nghiệp, Hà Nội cần tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhân lực nói chung và đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề nói riêng. Đồng thời, doanh nghiệp cần đổi mới chính sách tuyển dụng, thu nhập, môi trường làm việc để cho người lao động phát huy hết khả năng. Có như vậy, mới phát triển được nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Diệu Anh

Top