Nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp

18/07/2018 11:12 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tập trung phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai rà soát, nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm an toàn, an ninh cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Quyết định thành lập 61/67 cụm công nghiệp

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, thẩm định, trình UBND Thành phố ban hành Quyết định thành lập 61/67 cụm công nghiệp (CCN).

Một số CCN vừa được Sở hoàn thành công tác thẩm định, trình UBND Thành phố xem xét thành lập như: Phú Túc, Phú Yên, Đa Sỹ (Hà Đông); Thiết Bình (Đông Anh); Dị Nậu, Chàng Sơn, Hữu Bằng (Thạch Thất); Tân Hòa (Quốc Oai); hiện đang tiến hành thẩm định việc thành lập, mở rộng 02 CCN: Thạnh Thán - Ngọc Mỹ, Ngọc Liệp (Quốc Oai).

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang tham gia ý kiến chuyên ngành, đề nghị phối hợp và trả lời đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động của CCN, phát triển hạ tầng CCN; hướng dẫn huyện Gia Lâm triển khai một số quy định về quản lý, phát triển CCN đối với CCN làng nghề Bát Tràng, CCN Kiêu Kỵ và triển khai mở rộng CCN Phú Thị, huyện Gia Lâm; hướng dẫn UBND huyện Thạch Thất triển khai đầu tư xây dựng CCN Bình Phú …

Đối với 6 CCN còn lại, Sở Công thương đang triển khai thực hiện thành lập theo Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN.

Thành phố Hà Nội cũng đang triển khai xây dựng 111 CCN với tổng diện tích 2.657,7ha. Trong đó, 61 CCN cơ bản đã được lấp đầy và đi vào hoạt động ổn định, 45 CCN đang xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư, 5 CCN mới được thành lập đang chuẩn bị đầu tư.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở Công Thương đã hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2018 trên địa bàn.

Đặc biệt là đã phối hợp với quận, huyện, thị xã đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR (Quick Response code) để hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống giả, tem xác thực hoặc các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại; hướng dẫn các doanh nghiệp phối hợp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại trung tâm thương mại, siêu thị ,cửa hàng tiện lợi, cửa hàng xăng dầu...

Tăng cường thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp

Đánh giá về việc phối hợp trong công tác quản lý nhà nước giữa Sở Công Thương với các quận, huyện, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhận định, trong nửa đầu năm 2018, công tác phối hợp giữa Sở Công Thương với các quận huyện khá tốt, thể hiện qua việc phối hợp liên thông giữa Sở Công Thương, cùng các sở, ngành của Thành phố với các quận huyện, đã cùng vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công thương, góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn Thủ đô.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tập trung phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai rà soát, nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm an toàn, an ninh cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh;

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 cụm công nghiệp đã được UBND Thành phố ra Quyết định thành lập; tăng cường thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, thúc đẩy hình thành và phát triển các cụm công nghiệp gắn với phát triển doanh nghiệp dân doanh...

Ngoài ra, các quận, huyện cũng cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong công tác quản lý, cấp phép các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như: xăng dầu, gas ..., tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Diệu Anh

Top