Nâng cao hiệu quả quản lý, phòng cháy chữa cháy rừng

05/11/2015 3:40 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 5/11, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và kết quả công tác kiểm kê rừng năm 2015. Đồng thời, triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô năm 2015 - 2016.

Theo số liệu Ban Chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, năm 2014 diện tích đất lâm nghiệp chiếm 8,7% diện tích tự nhiên của TP, phân bổ tại 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sóc Sơn. Diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm 85,16% với tỷ lệ che phủ rừng là 6,85%. Trong năm 2015, diện tích rừng trồng mới đạt 160ha. Tiếp tục thực hiện chăm sóc 3.594ha rừng sản xuất. Triển khai tết trồng cây, toàn TP đã trồng được 888.300 cây xanh các loại, bằng 105% kế hoạch. 

Trong năm 2015, ngân sách TP đã bố trí thực hiện giao khoán quản lý 60,7% diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng. Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng dân cư bốn xã của huyện Mỹ Đức thuộc vùng đệm khu rừng đặc dụng Hương Sơn.

Trong nhiều năm qua, rừng Hà Nội được bảo vệ tốt, hầu như không có tình trạng chặt phá rừng trái phép. Triển khai tốt và đúng tiến độ các kế hoạch nghiệp vụ về bảo vệ rừng và PCCCR. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, TP vẫn để xảy ra 9 vụ cháy rừng, trong đó, 4 vụ ở Sóc Sơn, 2 vụ ở Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ - mỗi địa phương xảy ra một vụ. Tổng diện tích rừng thiệt hại 5,3ha. 

Công tác bảo tồn tài nguyên sinh vật rừng và chống buôn lậu lâm sản tiếp tục được Chi cục Kiểm lâm thực hiện nghiêm túc. Dù vậy, từ đầu năm 2015 đến nay, đã xử lý 61 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Tịch thu 228,8kg động vật hoang dã; gỗ quy tròn trên 46,7m3; thu phạt hành chính và bán lâm sản tịch thu nộp ngân sách trên 2,8 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ rừng mới đạt 6,85%. Diện tích đất chưa có rừng còn chiếm 16%. Diễn biến thời tiết bất thường khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp 3 trở lên...
 
Vì vậy, ông Đoàn Hoài Nam – Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các đơn vị thực hiện chỉ thị của Bộ về phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Xác định khu vực có nguy cơ cháy rừng cao để tổ chức phòng chống diễn biến cháy rừng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân. Quan tâm chỉ đạo triển khai Đề án 1938 về PCCCR trên địa bàn (2014 - 2020)...
  
Trong thời gian từ nay tới tháng 4/2016 là giai đoạn mùa khô, đồng thời là thời gian có nhiều lễ hội nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để chủ động trong công tác bảo vệ và PCCCR, ông Đào Duy Tâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua, đơn vị phối hợp với 7 huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về PCCCR. Theo đó, 12.400 tờ rơi đã được phát cho người dân, 108 panô – áp phích được lắp đặt tại các trục đường cửa rừng. Tổ chức 38 hội nghị tập huấn kỹ thuật, kỹ năng PCCCR cho cán bộ xã, thôn và chủ rừng với 1..730 lượt người tham gia. Chỉ đạo chính quyền cơ sở (61 xã có rừng), các chủ rừng thực hiện thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia PCCCR... 

Ông Tâm cũng kiến nghị TP chỉ đạo nhiệm vụ, bố trí kinh phí triển khai nội dung quản lý bảo vệ và PCCCR năm 2016. Đồng thời, báo cáo HĐND TP thống nhất thông qua chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Bộ NN&PTNT tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020.    

Tú Mai
Top