Nâng cao kỹ năng truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông

28/12/2017 2:55 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hiếu, công tác truyền thông chính sách cần được nâng cao hơn nữa nhằm xây dựng đội ngũ truyền thông đủ mạnh, đưa những chủ trương, chính sách đến người dân để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận giữa người làm chính sách và người thực thi, vì lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Diệp Anh

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí (Cục Báo chí-Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển – RED Communication (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – VUSTA) tổ chức hội thảo “Truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông”.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí-Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiện nay truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước càng trở nên quan trọng và cấp thiết, là nhiệm vụ quan trọng trong công tác truyền thông của các cơ quan quản lý nhà nước, là khâu không thể thiếu được trong quá trình tổ chức, thực thi chính sách trong giai đoạn hiện nay tuy nhiên vấn đề này lại chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra một số khó khăn mà phóng viên gặp phải khi đi tác nghiệp tại các cơ quan nhà nước. Đó là phóng viên gặp khó khăn khi liên hệ làm việc, tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước. Người phát ngôn của cơ quan nhà nước lại có tâm lý né tránh phóng viên, dè dặt, ngần ngại, lúng túng khi tiếp nhận giải quyết yêu cầu của phóng viên. Khi thông tin với báo chí thì còn bị động, phát ngôn chậm, phát ngôn tùy hứng, ngẫu hứng...

Ông Lê Văn Nghiêm cho rằng, có một số cơ quan nhà nước khi ban hành chính sách mới bị người dân phản ứng, nhưng khi thông tin lại cho dân, cho báo chí thì chậm dẫn đến khủng hoảng truyền thông.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đề cập đến việc khi xử lý khủng hoảng truyền thông, các cơ quan cần tránh việc bưng bít thông tin vì càng bưng bít thì người dân càng tò mò, tìm hiểu và lan truyền những thông tin không chính xác.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến tham luận liên quan đến công tác truyền thông trong cơ quan Nhà nước, việc truyền thông chính sách, xử lý khủng hoảng truyền thông để trao đổi giữa cơ quan quản lý báo chí và truyền thông Nhà nước. Từ thực tiễn cho thấy, việc đào tạo kỹ năng truyền thông, phát ngôn cho cán bộ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước, địa phương đang cần được nâng cao hơn nữa.

Diệp Anh

Top