Nâng cao năng suất từ thực nghiệm giống cây trồng

17/01/2018 2:09 PM

(Chinhphu.vn)-Trong năm 2017, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã thực hiện thành công chương trình khảo nghiệm, thử nghiệm giống cây trồng, đưa một số giống mới có năng suất cao, chống chịu tốt với khí hậu vào sản xuất. Nhờ đó đã góp phần nâng cao kiến thức, hiệu quả kinh tế hộ và hướng tới phát triển nền nông nghiệp Thủ đô “Xanh-Sạch-An toàn”.

Giống lúa mới Lam Sơn tại xã Liên Mạc, huyện Mê Linh mang lại năng suất cao-Ảnh Minh Nhung

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, năm 2017, Trung tâm đã triển khai chương trình khảo nghiệm, thực nghiệm và sản xuất giống cây trồng trên địa bàn thành phố. Mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của thời tiết nhưng chương trình đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành thành phố cũng như các huyện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, hợp tác xã. Đây là điều kiện thuận lợi để Trung tâm phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu của kế hoạch.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cụ thể, Trung tâm đã triển khai khảo nghiệm và sản xuất giống cây trồng với quy mô 142,33 ha. Trong đó, cây lúa quy mô 48 ha khảo nghiệm, thực nghiệm tại các xã Hát Môn huyện Phúc Thọ, Liên Mạc huyện Mê Linh, Đồng Phú huyện Chương Mỹ, Mỹ Thành huyện Mỹ Đức và Trạm thực nghiệm giống cây trồng.

Đã tổ chức phục tráng, chọn dòng được trên giống lúa Bắc thơm số 7 với quy mô 4 ha. Kết quả chọn được các dòng G0, G1 lúa Bắc thơm số 7, nếp 9603; Bắc thơm số 7 Siêu nguyên chủng, Nếp 9603 bảo đảm đặc tính của giống gốc, có những đặc điểm ưu việt về năng suất, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh, có nguồn giống gốc để nhân giống cung ứng cho nhu cầu sản xuất lúa trên địa bàn Hà Nội.

Về thử nghiệm sản xuất giống lúa mới, năm 2017, Trung tâm đã tiến hành thử nghiệm sản xuất giống lúa mới tại xã Liên Mạc huyện Mê Linh, xã Đồng Phú huyện Chương Mỹ và xã Hát Môn huyện Phúc Thọ, Trạm thực nghiệm với tổng diện tích 30 ha. Thực hiện trên hai giống ĐB 18 và Thuần Việt 7. Kết quả đã đánh giá, lựa chọn và đề nghị bổ sung vào cơ cấu giống lúa mới năm 2018.

Ngoài ra, Trung tâm Phát triển cây trồng đã triển khai mô hình xây dựng công thức luân canh cây trồng 3 vụ, cây khoai lang, cây lạc với quy mô 42 ha sản xuất tại các xã Phong Vân, Đồng Thái huyện Ba Vì, Mỹ Thành huyện Mỹ Đức. Kết quả năng suất khoai lang vụ Xuân đạt 12 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt 76,5 triệu đồng/ha. Năng suất khoai vụ Đông ước đạt 22 tấn/ha. Việc thực hiện mô hình đã tạo ra nguồn chuẩn phục vụ cho sản xuất khoai lang trong năm 2018 tại địa phương, khắc phục được hiện tượng thoái hóa, lẫn giống làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Qua đó giúp cho tăng năng suất, chất lượng được ổn định qua các vụ, các năm sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất khoai lang tại xã Đồng Thái huyện Ba Vì. Đồng thời nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức của nông dân về áp dụng tiến bộ kỹ thuật phục tráng giống khoai lang bằng phương pháp chọn dòng cũ để nhân giống.

Kết quả và hiệu quả của mô hình đã mở ra cho địa phương một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: Chuyển đổi một số diện tích sản xuất lúa xuân khó khăn về nước, kém hiệu quả sang trồng khoai lang để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trồng khoai lang vụ Xuân vừa cho hiệu quả cao gấp 3-4 lần so với sản xuất lúa, vừa giảm áp lực về công tác bảo quản sản phẩm trong khi chưa xây dựng được nhà bảo quản, bảo đảm vẫn có đủ sản phẩm chất lượng để cung ứng quanh năm cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, Trung tâm đã thực hiện mô hình xây dựng công thức luân canh cây trồng 3 vụ nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất với diện tích 30 ha, với công thức luân canh lúa Xuân, lúa Mùa và Đậu tương đông. Kết quả đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất đại trà tại địa phương từ 10-15%.

Trong đó, năng suất lúa Xuân đạt 58 tạ/ha, mùa 59 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế sản xuất 1 ha giống lúa mới PC6 đạt 21 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với giống lúa hiện đang sản xuất phổ biến tại địa phương là giống Khang dân 18 là 2,5-3 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, giống lúa PC6 có cơm ngon mềm, dẻo hơn Khang dân 18, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn hơn các giống lúa ngắn ngày đang sản xuất đại trà tại địa phương như: Khang dân 18, Bắc thơm số 7 từ 5-7 ngày.

Chính vì vậy, gieo cấy giống lúa PC6 ở vụ Xuân sẽ kéo dài được thời gian làm đất chuyển vụ sang vụ mùa giúp gốc rạ có thời gian phân hủy, hạn chế tình trạng ngộ độc đất làm cây lúa bị nghẹt rễ, sinh trưởng phát triển kém ở đầu vụ mùa. Gieo cấy giống lúa PC6 ở vụ mùa sẽ đẩy sớm được thời vụ gieo trồng đậu tương Đông lên 5-7 ngày, giúp cây đậu tương tranh thủ thời tiết ấm áp sinh trưởng phát triển thuận lợi, cho năng suất cao…

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống cây trồng

 

Đánh giá những kết quả đạt được, theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng cho biết, qua triển khai các chương trình khảo nghiệm, thực nghiệm và sản xuất giống cây trồng năm 2017 đã đề xuất được 2 giống lúa có triển vọng là Lam Sơn 116, Kim Cương 111 khảo nghiệm sản xuất tại các cơ sở và đề nghị Sở NN&PTNT thành phố bổ sung vào cơ cấu giống lúa của Hà Nội là DDB18 (nhóm năng suất); Thuần Việt (nhóm chất lượng).

Đồng thời đã xác định được giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất bưởi Diễn, giảm chi phí nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Tính đến nay, đã sản xuất được hơn 15 nghìn kg Bắc thơm số 7 cấp Siêu nguyên chủng và nếp 9603 xác nhận; 10 nghìn cây bưởi giống trên giá thể mới; 118 tấn đậu tương DT84 xác nhận…

Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, đồng ruộng theo yêu cầu của khảo nghiệm thực nghiệm đề ra. Một số cán bộ kỹ thuật còn chưa sâu sát, cẩn thận trong khi tổ chức làm khảo nghiệm.

Vì vậy, sang năm 2018, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào khảo nghiệm, thực nghiệm giống cây trồng. Đồng thời chọn lọc, phục tráng, sản xuất các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị cao. Ứng dụng tiến bộ bảo quản nông sản phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội giai đoạn 2018-2020.

Chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý, công nghệ mới, tiên tiến cho nông dân ngoại thành Hà Nội. Thúc đẩy phát triển vùng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp đô thị xanh sạch đẹp, bền vững và kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Tăng cường hình thành các chuỗi liên kết nông sản an toàn, xây dựng nhãn hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Minh Nhung

Top