Nên có quy định cụ thể về kinh doanh ‘hàng xách tay’
(Chinhphu.vn) - Đa số hàng xách tay có chất lượng tốt, nhu cầu tiêu dùng của người dân lại cao, nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật cho việc kinh doanh hàng xách tay. Do đó, cần xây dựng quy định cụ thể cho kinh doanh hợp pháp mặt hàng này.
Lực lượng chức năng bắt giữ hàng nhập lậu. Ảnh: Thùy Linh |
Tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông Đỗ Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quận Long Biên cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quận Long Biên diễn biến phức tạp.
Quận Long Biên hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp và gần 90% số doanh nghiệp này hoạt động thương mại dịch vụ; 8.900 hộ kinh doanh cá thể, 4 trung tâm thương mại lớn. Gần đây, nhiều thông tin phản ánh tình trạng kinh doanh "hàng xách tay" tại phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên là trái pháp luật, buôn bán hàng lậu.
Ông Chiến cho biết, trước phản ánh này, Ban Chỉ đạo 389 quận Long Biên đã tổ chức đối thoại trực tiếp với 28 hộ kinh doanh “hàng xách tay” trên phố Nguyễn Sơn để cùng tìm hiểu khó khăn, vướng mắc và tìm cách giải quyết. 28 hộ kinh doanh này đều có mặt và thiết tha mong muốn được tiếp tục kinh doanh.
“Đa số hàng xách tay có chất lượng tốt, nhu cầu tiêu dùng của người dân lại cao, nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật cho việc kinh doanh hàng xách tay nên chúng tôi kiến nghị cần có quy định cụ thể để kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, nếu "hàng xách tay" là hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng bị cấm thì vẫn bị xử phạt", ông Chiến nhấn mạnh.
Đại diện Ban chỉ đạo 389 quận Long Biên cũng cho rằng, hiện nay, thủ tục đăng ký kinh doanh một số mặt hàng như thực phẩm chức năng rất phức tạp, liên quan đến nhiều sở, ngành nên các cơ quan liên quan cũng cần tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh.
Cũng trong năm 2017, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã xử lý 886 vụ liên quan đến hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp, với số tiền phạt hành chính lên tới 15,104 tỷ đồng.
Nói về thủ đoạn và phương thức hoạt động của các đối tượng buôn lậu, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp lợi dụng thương mại điện tử và chính sách thông thoáng của nhà nước về thủ tục hải quan để buôn lậu.
“Chính việc người mua và người bán không biết nhau và chỉ cần đặt hàng qua mạng là có hàng nên việc bắt giữ đối tượng kinh doanh hàng lậu rất khó khăn”, ông Giang cho biết.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng theo đại diện các cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp, đòi hỏi có sự đồng bộ từ cơ chế chính sách đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát địa bàn.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, các đối tượng thường đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng bằng cách sử dụng rất nhiều hóa đơn, hóa đơn quay vòng, hóa đơn ghi giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của hàng hóa, gây khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh, xử lý.
Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu với sự tham gia của nhiều đối tượng, có các đối tượng ở ngoại tỉnh, có đối tượng người nước ngoài nên việc xác minh lý lịch của các đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn...
Thùy Linh