Ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ

25/03/2024 1:34 PM

(Chinhphu.vn) - Sản xuất, kinh doanh hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện đang là những hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: VGP/TL

Liên tiếp phát hiện các vụ kinh doanh hàng giả

Thời gian vừa qua, các lực lượng thực thi pháp luật, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và gian lận thương mại.

Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng của Hà Nội những ngày gần đây đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu kinh doanh hàng cấm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, ngày 20/3, Đội Quản lý Thị trường số 22 (Cục Quản lý Thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra một cửa hàng thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng tại số 136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Tại cơ sở này, Đội Quản lý Thị trường số 22 phát hiện cửa hàng hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định. Ngoài ra, cửa hàng còn có hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu (số lượng 46 bao).

Đội Quản lý Thị trường số 22 đã tạm giữ toàn bộ 46 bao thuốc lá điếu nhập lậu nêu trên để tiếp tục xử lý vụ việc theo quy định.

Trước đó, ngày 19/03, Đội Quản lý Thị trường số 22 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra một Địa điểm kinh doanh hàng hóa tại ngõ 359 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Qua kiểm tra, cơ sở kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không có Giấy đăng ký kinh doanh theo quy định. Tại địa điểm trên, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng kinh doanh 50 sản phẩm hàng hóa là các vỏ bộ phận xe máy mang nhãn hiệu HONDA nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu HONDA đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đội Quản lý Thị trường số 22 và lực lượng phối hợp đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý vụ theo quy định của pháp luật.

Ngày 20/3, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) vừa phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy, Công an huyện Hoài Đức tiến hành kiểm tra phát hiện hàng nghìn đôi tất có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, lực lượng chức năng của Hà Nội tổ chức tiến hành kiểm tra đối với một cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại: Số nhà 7, ngõ 180, đường Đức Thượng, thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Tại đây, qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở đang kinh doanh hàng hóa này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đồng thời có dấu hiệu buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là 8.000 đôi bít tất mang nhãn hiệu "PUMA", tổng giá trị hàng hóa là hơn 17,6 triệu đồng.

Ngay lập tức Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội), đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật…

Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong năm 2023, toàn Thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.760 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hơn 18,121 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 17,857 tỷ đồng. Nhiều vụ việc vi phạm bị xử lý có tính răn đe cao nên không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.

Tuy nhiên, dự báo, năm 2024, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn vì lợi nhuận thu được lớn.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, khó khăn nhất trong công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… ở Hà Nội hiện nay là địa bàn quản lý rộng, phức tạp với nhiều kho tàng, bến bãi, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, gây khó khăn trong công tác nắm bắt, quản lý địa bàn. Mặt khác, nhiều đối tượng thuê kho, bãi sẵn sàng chống đối (không tiếp xúc, không làm việc), gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm soát địa bàn.

Các chuyên gia cho rằng, muốn ngăn chặn triệt để hoạt động buôn lậu, hàng giả bên cạnh việc lực lượng chức năng vào cuộc còn đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật phù hợp thực tế.

Ngoài ra, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái qua kênh thương mại điện tử, các hội chợ hàng tiêu dùng trên địa bàn.

Theo ông Chu Xuân Kiên, trước mắt, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường về tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện ký cam kết với các tổ chức, cá nhân không kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về các vụ việc vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả bị bắt giữ; cách phân biệt hàng giả, hàng nhái đến đông đảo nhân dân.

Mặt khác, đơn vị sẽ phối hợp thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu để phục vụ tốt hơn công tác chống buôn lậu, hàng giả…

Diệu Anh

Top