Ngăn chặn phát sinh ô nhiễm ở nhiều làng nghề

19/01/2018 1:22 PM

(Chinhphu.vn)-Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Quyết định của UBND TP.Hà Nội về việc phê duyệt Đề án "Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030", công tác bảo vệ môi trường làng nghề đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Nhiều làng nghề gây ô nhiễm nguồn nước-Ảnh Internet

Cụ thể hóa quyết định của UBND thành phố, các sở, ngành và địa phương đã tăng cường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề; hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nhằm tăng cường năng lực quản lý giám sát và khắc phục ô nhiễm; ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm; nâng cao nhận thức cộng đồng làng nghề gắn sản xuất với trách nhiệm về môi trường.

Bên cạnh đó từng bước khắc phục, cải thiện tiến tới giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn bền vững. Đảm bảo đến năm 2030, cơ bản các làng nghề đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Năm 2018, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đặc biệt phải đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức với công suất 500 m3/ngày đêm và Trạm Xử lý nước thải làng nghề xã Vân Canh, huyện Hoài Đức công suất 4.000 m3/ngày, Trạm Xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức công suất 8.000 m3/ngày; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai công suất 4.000 m3/ngày đêm.

Đáng nói, các cơ sở sản xuất trong các làng nghề đã đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đơn cử, đã triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất tại các làng nghề làm miến tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai; chế biến thức ăn chăn nuôi tại làng nghề xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai; công nghệ sản xuất than từ mùn cưa tại các làng nghề chế biến gỗ huyện Thường Tín; làng nghề sản xuất tinh bột dong tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì; làng nghề sản xuất tăm hương xuất khẩu tại làng nghề Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa; làng nghề sản xuất tinh bột sắn tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức; làng nghề Đa Sỹ, quận Hà Đông; làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông; làng nghề thôn Hạ, huyện Đan Phượng...

Bảo Khánh

Top