Ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em

08/07/2019 3:11 PM

(Chinhphu.vn) – Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đang diễn ra ngày càng phức tạp, để lại những hậu quả nghiêm trọng với nạn nhân là trẻ em và gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Cùng với trách nhiệm của các cơ quan quản lý, một trong những ưu tiên hàng đầu để ngăn chặn tình trạng này là trang bị kiến thức, kỹ năng sống phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo số liệu báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019 xảy ra 29 vụ bằng cùng kỳ so với 6 tháng đầu năm 2018, trong đó có 6 vụ hiếp dâm; 5 vụ giao cấu với trẻ em và 18 vụ dâm ô với trẻ em.

Theo Sở Lao động, thương binh và Xã hội,  nguyên nhân khách quan do Hà Nội là đô thị lớn, dân cư đông đúc, tỷ lệ dân nhập cư tăng nhanh, trong đó có nhiều trẻ em, nhiều đối tượng hình sự và thành phần dân cư phức tạp. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn có lỗ hổng, chế tài xử lý các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em chưa đủ sức răn đe; hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Cũng cần nói đến nguyên nhân chủ quan là do nhận thức vấn đề bảo vệ trẻ em của một bộ phận người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn hạn chế; công tác quản lý trẻ em trong gia đình, nhà trường còn chưa chặt chẽ; Công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường chưa được đầu tư đúng mức; các thành viên trong gia đình, giáo viên chưa có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Kỹ năng sống nói chung, kỹ năng tự bảo vệ nói riêng của trẻ em còn thiếu và yếu.

Xác định việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Chính vì vậy, trong thời gian qua UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, phân công trách nhiệm các cơ quan chuyên môn thực hiện việc tăng cường công tác truyền thông, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao nhận thức, hướng đến cam kết trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, của cộng đồng, cha mẹ/người chăm trẻ và chính bản thân trẻ em về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc phát hiện, can thiệp và xử lý những hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

UBND Thành phố cũng đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành trong việc ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về việc xảy ra các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong nhà trường; giao Công an Thành phố chịu trách nhiệm về tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn Thành phố; giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm việc xảy ra các tình trạng không kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn;

Hà Nội cũng đã yêu cầu UBND các địa phương xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng trên địa bàn có trách nhiệm báo cáo ngay sau khi vụ việc xảy ra bằng điện thoại, email và báo cáo bằng văn bản về kết quả giải quyết vụ việc chậm nhất sau 03 ngày vụ việc được phát hiện (trước tháng 01/2018, UBND Thành phố quy định là 5 ngày).

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng; tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiện toàn đảm bảo phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo công tác trẻ em các cấp cũng như tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và trong quá trình giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em. Đặc biệt là kiện toàn, phát huy hiệu quả của đội ngũ cộng tác viên tại địa bàn dân cư (gần 11.000 người) trong việc phát hiện thông tin, can thiệp, trợ giúp trẻ em ngay từ cơ sở; phát triển về số lượng, tăng cường chất lượng các dịch vụ tư vấn, tham vấn, can thiệp, trợ giúp trẻ em.

Giám đốc Sở Lao động, thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội trong bảo vệ trẻ em. Tăng cường công tác quản lý trẻ em tại gia đình và nhà trường cũng là những giải pháp nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đối với vấn đề này.

Cùng với việc tạo điều kiện và cơ hội cho trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan đến trẻ em, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em và các quyền trẻ em trên địa bàn thành phố; tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung cácquy định của pháp luật nhất là các chế tài xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em để đảm bảo tính răn đe.

Ngoài ra, cơ quan Công an, Viện kiệm sát, Tòa an nhân dân các cấp cũng phải khẩn trương điều tra, kết luận, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án xâm hại trẻ em, đặc biệt là các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Minh Anh

Top