Nỗ lực để bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn

10/03/2018 2:51 PM

(Chinhphu.vn)-Chất thải rắn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Xác định phát triển kinh tế, xã hội gắn với công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng, nỗ lực hóa giải những thách thức, ngăn ngừa ô nhiễm, bảo đảm cảnh quan đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Hà Nội quy hoạch nhiều khu xử lý rác thải công nghiệp-Ảnh Internet

Nỗ lực ngăn chặn ô nhiễm

Kết quả rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó: Khu vực nội thành khoảng 4.200 tấn, còn lại là lượng rác thải phát sinh tại khu vực ngoại thành. Dự báo rác thải đô thị và nông thôn trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng, đồng nghĩa với việc Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải bảo đảm hợp vệ sinh.

Để chủ động phòng, ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển mạnh trong công tác bảo vệ môi trường, thành phố đã bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án như: Chôn lấp hợp vệ sinh có kiểm soát, có xử lý rác đang áp dụng tại các khu xử lý Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Nam Sơn huyện Sóc Sơn, Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm; chôn lấp bán hiếu khí Fukuoka (Nhật Bản) đang áp dụng tại ô chôn lấp bán hiếu khí Fukuoka, quy mô 3ha tại khu xử lý Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; công nghệ ủ sinh học làm phân compost (đang áp dụng tại khu xử lý chất thải Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm; khu xử lý Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Cùng với đó, thành phố áp dụng công nghệ đốt, chiếm tỷ lệ khoảng 11% được áp dụng tại: Nhà máy Xử lý rác thải Xuân Sơn do Công ty cổ phần Môi trường Thăng Long vận hành công suất trung bình khoảng 450 tấn/ngày; nhà máy do Hợp tác xã Thành Công vận hành công suất trung bình khoảng 150 tấn/ngày; nhà máy do Công ty cổ phần Thành Quang vận hành công suất thiết kế 200 tấn/ngày đêm, nhà máy đốt rác công nghiệp phát điện tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn công suất 75 tấn/ngày...

Cùng với đó, nhiều hoạt động được tổ chức với quy mô lớn nhằm tuyên truyền tới người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đơn cử, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố thực hiện chuyển giao kiến thức phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng rác thả hữu cơ làm phân bón cho cây trồng tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Mô hình này đã khẳng định được tính ưu việt, tính khả thi cao. Chế biến rác sinh hoạt làm phân hữu cơ, một mặt giải quyết được vấn đề môi trường mặt khác tận dụng các thành phần có trong rác thải để bón cho cây trồng.

Ngoài ra, các sở, ngành, đoàn thể thành phố phối hợp ra quân thực hiện chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ" thí điểm tại huyện Đan Phượng nhằm tuyên truyền tới người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa khác, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

Cụ thể hóa nhiệm vụ thành phố giao, Sở Xây dựng cũng đã chủ trì, thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác duy trì vệ sinh môi trường, thu gom vận chuyển chất thải sinh hoạt trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, công tác duy trì vệ sinh tại một số huyện đã có chuyển biến tích cực. Các huyện đã xây dựng được phương án duy trì vệ sinh, thu gom, vận chuyển rác thải, chất thải xây dựng theo hướng tăng cường cơ giới hóa. Các đơn vị thu gom, vận chuyển đã đầu tư mua sắm trang thiết bị thực hiện trên địa bàn như cam kết tại hồ sơ thầu; đăng ký số xe vận chuyển chất thải về các khu xử lý tập trung; tổ chức giám sát thực hiện qua hệ thống giám sát hành trình GPS đối với xe cơ giới thu gom, vận chuyển rác thải; tiếp tục tiến hành bổ sung lắp đặt thùng rác...

Theo Sở Xây dựng, việc UBND thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng các điểm tập kết rác thải tập trung của xã với mức 200 triệu đồng/xã đã đạt những kết quả quan trọng. Đến nay, các huyện: Thường Tín đã xây dựng được 23 điểm tập kết rác thải tập trung, Phúc Thọ 37 điểm, Chương Mỹ 22 điểm, Ứng Hòa 25 điểm, Phú Xuyên 21 điểm, Ba Vì 11 điểm, Đan Phượng 16 điểm. Ngoài ra, các huyện cũng tự đầu tư các điểm tập kết rác tại các xã, thị trấn đảm bảo lưu trữ được khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong ngày. Theo báo cáo của UBND các huyện, hầu hết, các điểm tập kết được xây dựng đều có tường bao, nền bê tông, không có mái che (một số điểm được đầu tư mái che), chưa có hệ thống thu gom nước rác. Về cơ bản, các điểm tập kết đã đáp ứng được việc lưu trữ rác thải sinh phát sinh tại địa bàn, xa khu dân cư.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 1/6/2017 triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các sở, ngành liên quan tiếp tục hoàn hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn, phân định và có giải pháp xử lý phù hợp đối với các loại chất thải rắn phát sinh. Rà soát điều chỉnh bổ sung quy trình công nghệ, định mức, đơn giá lĩnh vực vệ sinh môi trường phù hơp với khu vực nông thôn theo Kế hoạch 116/KH-UBND. UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là giám sát cộng đồng; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định 155/2016/CP-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thực hiện kiện toàn bộ máy thực thi công tác bảo vệ môi trường các cấp, nâng cao chất lượng công tác quản lý môi trường cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích triển khai các mô hình mới trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải như: Mô hình trạm trung chuyển phân loại chất thải rắn sinh hoạt kết hợp xử lý tại chỗ; mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các đơn vị thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung: Đảm bảo tần suất, rà soát khoảng cách đặt các thùng rác hợp lý, tăng cường tính năng động, sáng tạo trong công tác quản lý, tiết kiệm chi phí trang bị, mua sắm. Tạo cơ chế huy động nguồn tài chính, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn, giảm tải cho các khu xử lý tập trung của thành phố.

Với những giải pháp đã và đang được thành phố tích cực triển khai, chắc chắn công tác bảo vệ môi trường sẽ thu được nhiều kết quả, tạo môi trường sống trong làng cho người dân, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp hơn.

Theo Hanoi Potal

Top