Ngành Công Thương Thủ đô: Đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu năm 2020

13/01/2020 12:13 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, kinh tế Thủ đô phát triển tốt, nhiều chỉ tiêu quan trọng trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất khẩu đạt và vượt chỉ tiêu. Để có được những kết quả này là nhờ đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương Thủ đô.

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về những nỗ lực của Sở trong năm 2019 và giải pháp trong năm 2020.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Năm 2019, ngành Công Thương Thủ đô nỗ lực hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Bà có thể chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của ngành Công Thương Thủ đô trong năm qua?

Phó Giám đốc Trần Thị Phương Lan: Năm 2019, ngành Công Thương được sự quan tâm của Bộ Công thương, các cơ quan Trung ương cũng như Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, các nhiệm vụ triển khai trong năm đều đạt kết quả cao; các chỉ tiêu về phát triển công nghiệp, thương mại, xuất khẩu đều tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây, góp phần vào tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội.

Hạ tầng công nghiệp, thương mại được phát triển đồng bộ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phát triển mạnh mẽ và phát triển cả ở những vùng nông thôn để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Sở cũng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ, ổn định thị trường; đã tập trung thực hiện tích cực công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, thực hiện chương trình liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực Công Thương;

Triển khai có hiệu quả công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng. Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, ổn định thị trường, giá cả trên địa bàn Thủ đô

Cùng với đó, Thành phố đã thành lập mới được 18 cụm công nghiệp, triển khai đồng bộ chương trình khuyến công để phát triển cho công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng như các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.

Về công tác điện năng, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã triển khai tốt chương trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả cũng như bảo đảm tốt điện phục vụ cho các sự kiện chính trị lớn của Trung ương và Hà Nội và bảo đảm được điện sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.

Công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được TP Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vậy thời gian qua, Sở đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn như thế nào, thưa bà?

Phó Giám đốc Trần Thị Phương Lan: Trong năm 2019, ngoài công tác chuyên môn, Sở Công Thương cũng tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp kinh doanh điện, các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại, các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, gas, thuốc lá,... để rà soát các cơ chế, chính sách đề nghị Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung kịp thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đồng thời trình Thành phố tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển, sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Sở đã tham mưu, trình UBND Thành phố ban hành 2 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC), TTHC bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn Thành phố (121 TTHC cấp Sở, 18 TTHC cấp huyện). Trong đó, 24 TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết với tổng số 116 ngày làm việc so với quy định. Thực hiện rà soát lại 100% các quy trình giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền, trình Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt 61 quy trình nội bộ giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền của Sở và của UBND cấp huyện.

Sở cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn chuyên đề, từng lĩnh vực cho các doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời để các doanh nghiệp phát triển cũng như được cấp các giấy phép kinh doanh theo quy định.

Năm 2020 là năm có nhiều ý nghĩa đặc biệt, năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, đòi hỏi ngành Công Thương Thủ đô tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra. Bà có thể chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm tới?

Phó Giám đốc Trần Thị Phương Lan: Năm 2020, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ. Trong lĩnh vực công nghiệp, sẽ tập trung rà soát, đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực trên địa bàn theo các cơ chế của Chính phủ và Thành phố đã ban hành. Đồng thời, rà soát lại các quận, huyện để đạt được các chỉ tiêu Thành phố giao thành lập được 30-35 cụm công nghiệp trên địa bàn.

Thực hiện tốt công tác quản lý điện; lập cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các công trinh điện trên địa bàn, bảo đảm đúng quy hoạch, bảo đảm nguồn cung điện cho sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt.

Về lĩnh vực thương mại, tiếp tục kêu gọi đầu tư xã hội hóa để phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, thông minh như siêu thị ảo 4.0, chợ thương mại điện tử; đưa hạ tầng chợ thương mại phát triển đồng bộ từ các quận nội thành đến huyện ngoại thành đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân. Đầu tư kêu gọi xã hội hóa phát triển và cải tạo các chợ trên địa bàn đáp ứng yêu cầu về văn minh thương mại, an toàn thực phẩm.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát ATTP để làm sao các sản phẩm công nghiệp thương mại sản xuất ra và kinh doanh trên thị trường đều truy xuất được nguồn gốc và đáp ứng được nhu cầu về ATTP.

Tăng cường liên kết hợp tác vùng giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước theo Chương trình hợp tác của Thành ủy Hà Nội với các tỉnh và cụ thể hóa các chương trình này để hỗ trợ tối đa cho các tỉnh thành, đưa đầy đủ hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho TP Hà Nội phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ cho các làng nghề phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu và triển khai được Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở trên địa bàn TP Hà Nội với các nội dung phong phú. Đẩy mạnh công tác bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, có giải pháp cụ thể để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầy đủ, hỗ trợ cho Thành phố cũng như bảo đảm công tác bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Sở sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, toàn bộ thủ tục hành chính của Thành phố phê duyệt đã được phê duyệt quy trình nội bộ và được triển khai đồng bộ công tác ISO và các quy trình nội bộ khác bảo đảm công khai minh bạch, giảm thiểu thời gian tối thiểu nhất cho các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, tăng cường công tác kiểm tra lĩnh vực nóng, nhạy cảm như xăng dầu, gas, khuyến mại, bán hàng đa cấp và các loại hình khác. Phối hợp với Cục QLTT chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái trên địa bàn, bảo đảm thị trường lành mạnh. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở để có đủ năng lực trình độ tham mưu cho Sở, thực hiện tốt nhiệm vụ giải pháp mà ngành Công Thương đã đưa ra.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thùy Linh (thực hiện)

Top