Ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước

31/05/2019 3:30 PM

(Chinhphu.vn) – Trong năm học 2018-2019, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và phát triển, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

Ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước. Ảnh: Minh Anh

Theo báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2018-2019, trên địa bàn Hà Nội các quận, huyện, thị xã đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp (trong đó, mầm non 31 trường, tiểu học 24 trường, THCS 15 trường), với kinh phí khoảng 4.105 tỷ đồng. Thành phố cũng đã cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học mới xây, 2.552 phòng học cải tạo. Tiến hành khảo sát thực trạng khu nhà vệ sinh cần cải tạo hoặc xây mới tại 1.270 trường tiểu học và THCS, kinh phí dự kiến gần 466 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018 – 2019, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt thành tích xuất sắc. Năm học, năm 2018 vượt chỉ tiêu, đạt 150% kế hoạch (120/80 trường), đã kiểm tra công nhận lại 138/190 trường, trong đó mầm non 37 trường; tiểu học 46 trường; THCS 48 trường; THPT 07 trường, đưa tỷ lệ trường chuẩn quốc gia công lập và ngoài công lập đạt 55,0% (1.492/2.711), trong đó công lập là 66,7% (1.456/2.183).

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên cũng đã được quan tâm. Năm 2018 UBND thành phố Hà Nội đã cấp kinh phí để tổ chức bồi dưỡng đại trà cho cho trên 83.000 cán bộ quản lý, giáo viên. Việc bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng công tác quản lý cho đối tượng thuộc diện quy hoạch; bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên theo chuẩn chức danh nghề nghiệp đã được quan tâm. Năm 2018 là năm đầu tiên, ngành GD&ĐT Hà Nội thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức theo Quyết định số 2315/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

Trong năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải quốc gia năm 2019 (với 11 giải Nhất, 19 học sinh được dự thi vòng 2 chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi quốc tế); 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019 (trong đó có 03 đề tài đạt giải Nhất, 05 giải Nhì, 06 giải Ba); 48 giải tại Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Toán học quốc tế ITMC 2019 (trong đó có 02 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 23 Huy chương Đồng)... Điều này khẳng định chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học.

Đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn, thời gian qua Hà Nội đã nâng cao về chất lượng công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ được. Thành phố đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Hà Nội cũng tăng cường hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động hợp tác quốc tế trong các cơ sở giáo dục, trong năm 2018- 2019, ngành GD&ĐT Thành phố đã tổ chức thành công kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng năm 2018; trong năm 2017, 2018, ngành GD&ĐT Thủ đô cũng đã triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc-Chứng chỉ A Level của Cambridge tại Trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Chương trình song bằng THCS (cấp chứng chỉ IGCSE của Anh quốc) tại 07 trường THCS trên địa bàn Thành phố.

Lần đầu tiên ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15 năm 2018 (HOMC 2018) có sự tham dự của học sinh quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác hội nhập quốc tế. Ngành GD&ĐT Hà Nội hiện đang chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi Toán và khoa học trẻ (IMSO 2019) vào tháng 11/2019 (khoảng 40 đoàn quốc tế tham dự).

Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, trên cơ sở 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản trong Chỉ thị năm học của Bộ GD&ĐT; căn cứ vào các chương trình công tác của Thành phố, trong thời gian tới, toàn ngành GD&ĐT Hà Nội tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, liên quan đến việc đầu tư cơ sở vật chất, ngành sẽ rà soát sắp xếp mạng lưới trường, lớp; tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố triển khai thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường học trên toàn Thành phố; quan tâm đầu tư xây dựng trường học, phòng học cho khu vực thiếu trường, thiếu lớp học.

Cùng với đó, tham mưu Thành phố, phối hợp các quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại. Xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư các trường học trong các khu vực đô thị hóa còn thiếu, đôn đốc tiến độ các dự án xã hội hoá xây dựng trường học và tiếp tục quan tâm xây dựng 100 trường đạt chuẩn quốc gia tăng thêm trong năm 2019. Nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; tổ chức đánh giá lại và xây dựng, thực hiện các chính sách đảm bảo công nhận lại các trường đã đạt chuẩn, quan tâm ưu tiên các huyện khó khăn.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD&ĐT; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm theo quy định. Tích hợp các chương trình giáo dục nhằm giảm thiểu môn học, tăng các môn học về văn - thể - mỹ. Tập trung nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học...

Ngành giáo dục cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế, triển khai có hiệu quả các điều kiện cho việc hội nhập quốc tế về lĩnh vực GD&ĐT. Triển khai thực hiện hiệu quả, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm mô hình hợp tác quốc tế trong giáo dục THPT, THCS (đào tạo song bằng tú tài, chứng chỉ A-Level THPT, chứng chỉ IGCSE THCS; thí điểm dạy tin học chứng chỉ quốc tế từ bậc THCS); chuẩn bị các điều kiện để đăng cai thi Olympic quốc tế một số môn tại Hà Nội; tổ chức tốt kỳ thi IMSO 2019.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp (tăng 70 trường so với cùng kỳ năm học 2017-2018), với 1.983.435 học sinh (tăng 90.687 học sinh so với cùng kỳ năm học 2017-2018); tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 155.323 người.

Giáo dục tiểu học có 736 trường với 738.978 học sinh; so với cùng kỳ năm trước tăng 09 trường, tăng 60.202 học sinh; Giáo dục trung học cơ sở (THCS) có 624 trường với 451.800 học sinh; so với cùng kỳ năm trước tăng 07 trường, tăng 24.876 học sinh. Giáo dục trung học phổ thông (THPT) có 222 trường với 216.736 học sinh; so với cùng kỳ năm trước tăng 06 trường, tăng 20.267 học sinh. Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên có 29 trung tâm, với 27.947 học sinh; tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên 1.082 người.  

Thành phố Hà Nội hiện có 520 cơ sở giáo dục ngoài công lập và 8 trường công lập tự chủ với 14.511 nhóm lớp, 256.155 học sinh, 40.920 cán bộ giáo viên, nhân viên và 16.594 phòng học. Trong đó, cấp học mầm non có 353 trường; tiểu học có 41 trường, THCS có 24 trường và THPT có 102 trường.

Minh Anh

Top