Ngành ngân hàng: Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ

28/05/2019 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ và định hướng điều hành của Thống đốc NHNN, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2019 các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Ngành ngân hàng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ. Ảnh: Minh Anh

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của NHNN. Lãi suất huy động có biến động, tăng nhẹ nhưng mặt bằng tương đối ổn định. Các TCTD trên địa bàn tiếp tục có các biện pháp đẩy mạnh huy động vốn như đưa ra nhiều hình thức tiếp thị, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Do vậy, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn có tốc độ tăng trưởng khá, đảm bảo cân đối đủ để thực hiện cấp tín dụng và chấp hành các quy định của pháp luật về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Dự kiến đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 3.28 triệu tỷ đồng, tăng 6,06% so với 31/12/2018.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ và định hướng điều hành của Thống đốc NHNN, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2019 các TCTD trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế cho vay những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đồng thời đảm bảo an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục, quy trình cho vay vốn theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản và phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Dự kiến đến 30/6/2019, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) của các TCTD trên địa bàn đạt 1.98 triệu tỷ đồng, tăng 5,84% so với 31/12/2018. Trong cơ cấu tổng dư nợ, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.761 triệu tỷ đồng chiếm 88,94% và tăng 6,53%. Trong tổng dư nợ cho vay, dư  nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 149.172 tỷ đồng, chiếm 8,47%; dư  nợ cho vay DNNVV đạt 322.191 tỷ đồng, chiếm 18,29%; cho vay chính sách xã hội  đạt 7.573 tỷ đồng, chiếm 0,43%; và cho vay xuất khẩu đạt 167.330 tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng dư nợ cho vay.

Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hiệu quả

Kể từ đầu chương trình đến nay, cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là 698.760 tỷ đồng trong đó 6 tháng đầu năm 2019 đạt 160.335 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 530.150 tỷ đồng. Lãi suất cho vay phổ biến 6-6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt vay vốn các NHTM lớn được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn.

Theo NHNN chi nhánh Hà Nội, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, ngoài yếu tố hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả như đồng hành cùng doanh nghiệp, tư vấn cho doanh nghiệp trong quản trị, điều hành, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, tổ chức cho vay theo chuỗi các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thông qua chương trình, các khó khăn của doanh nghiệp về tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất được kịp thời tháo gỡ, hoạt động doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã đánh giá cao sự giúp đỡ, hỗ trợ của Ngành Ngân hàng, không có doanh nghiệp nào đủ điều kiện mà không vay được vốn ngân hàng.

Hoạt động kinh doanh các TCTD đặt ưu tiên việc thực hiện chủ trương, chính sách của NHNN trong hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua chương trình kết nối đã góp phần giúp cho ngân hàng đẩy mạnh việc đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, vào nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; tạo được mối quan hệ gắn kết gần gũi hơn với khách hàng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng chất lượng và hiệu quả; Nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các NHTM trên địa bàn đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện sự chia sẻ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp.

Các ngân hàng đã quan tâm đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc cấp tín dụng đối với DN như phát triển, chỉnh sửa các sản phẩm nhằm giảm thời gian thẩm định cho vay; tiếp tục nghiên cứu và phát triển mới, cải tiến các chương trình, sản phẩm tín dụng, phát triển mới các chính sách tín dụng, quy trình và thủ tục cấp tín dụng dành riêng cho phân khúc khách hàng DN. Các TCTD cũng đã cố gắng đa dạng hóa các hình thức tài sản đảm bảo như chấp nhận tài sản đảm bảo là hàng hóa, các khoản phải thu hoặc cho vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo) trong hoạt động cho vay. Một số sản phẩm tín dụng chuyên biệt dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp đã được các ngân hàng đưa ra nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn khác nhau, như: gói hỗ trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu các mặt hàng dệt may, gói hỗ trợ các doanh nghiệp vay mua ô tô, gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Các TCTD tiếp tục nỗ lực nâng cao năng lực về vốn, đổi mới công nghệ để mở rộng hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập. Ngành Ngân hàng Hà Nội tập trung phát triển các dịch vụ điện tử đảm bảo các điều kiện cần thiết phù hợp với tiến độ hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Công nghệ tin học được các TCTD trên địa bàn ứng dụng rộng rãi trong các hoạt động nghiệp vụ thanh toán, quản trị điều hành, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng hiện đại như thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng tự động, dịch vụ thẻ...

Song song với thực hiện nhiệm vụ trên đây, thời gian qua, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thanh khoản của các TCTD, diễn biến tỷ giá, ngoại hối và vàng, lãi suất tình hình thị trường tiền tệ; đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng trên địa bàn báo cáo và kịp thời đề xuất với Thống đốc NHNN, UBNDTP về các biện pháp quản lý hoạt động các TCTD trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp với Cục Thanh tra giám sát ngân hàng Hà Nội, Ban kiểm soát đặc biệt các TCTD yếu kém để kịp thời nắm bắt tình hình thanh khoản đối với các ngân hàng, việc chấp hành quy định của NHNN Việt Nam về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo hệ thống các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh; tiếp tục triển khai cơ cấu lại TCTD và đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Đồng thời ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động quỹ tín dụng trong việc đôn đốc thực hiện báo cáo thống kê, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác; Tham dự và hướng dẫn các QTDND tổ chức Đại hội thành viên theo quy định của Luật các TCTD và Luật HTX; Kiểm tra Báo cáo quyết toán năm tài chính của các quỹ tín dụng trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy đa số các quỹ tín dụng đã chấp hành tốt các quy định của nhà nước trong việc quyết toán. Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị thực hiện chưa đúng quy định nên báo cáo còn sai sót, phải truyền lại file một số biểu báo cáo thống kê, báo cáo tài chính…  

NHNN Chi nhánh Hà Nội cũng đã tổng hợp báo cáo tình hình xử lý, thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; Chỉ thị số 32/CT-TTg và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020; Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội về xử lý nợ xấu của các QTDND trên địa bàn. .. theo dõi tình hình cho vay và dư nợ thiệt hại, báo cáo hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi.

Đồng thời tham mưu UBND TP Hà Nội để chỉ đạo các sở ngành, quận huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

Minh Anh

Top