Ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá

18/01/2018 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2017, ngành nông nghiệp của Thủ đô tiếp tục phát triển với mức độ tăng trưởng đạt 2%. Đồng thời đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao.

Ngày 18/1, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Theo Sở NN&PTNT, trong năm 2017, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân gieo trồng đúng lịch thời vụ. Đồng thời tập trung chăm sóc để cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, tăng sức chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Nhờ vậy, tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2017 đã đạt 2%; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 35,1 tỷ đồng, tăng 2,17% so với năm 2016. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đến nay đạt 25%, trong đó đối với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%; chăn nuôi 33,5%; thủy sản 13%.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân. Nhờ đó thu nhập và đời sống của nhân dân ngày một được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 ước đạt 38 triệu đồng/người/năm, (năm 2016 là 36 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh là 100%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 2,5% (năm 2016 là 3,65%).

Về xây dựng nông thôn mới, năm 2017 Hà Nội có thêm 2 huyện được công nhận huyện nông thôn mới, nâng tổng số lên 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Tính đến thời điểm hiện tại, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 255/386 và đang trình thành phố công nhận tăng thêm 39 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 294 xã, chiếm 76,2%, các xã còn lại đều đạt từ 12-18 tiêu chí. Con số này đã vượt kế hoạch năm 2017.

Ngoài ra ngành nông nghiệp cũng tổ chức hướng dẫn, quản lý, thanh kiểm tra các quy trình sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản có nhiều tiến bộ, góp phần quản lý an toàn thực phẩm có hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất chưa cao. Đồng thời chưa xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, hiện nay chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, năm 2018, năm thứ 3 Thành phố thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và Kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, năm 2018 ngành nông nghiệp phấn đấu có tốc độ tăng trưởng tăng 2,0% - 2,5%; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo giá cố định tăng 2,7%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng 5,7%; phấn đấu có thêm 26 xã, 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Để đạt được các mục tiêu cơ bản nêu trên, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phải tập trung chỉ đạo thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển nông nghiệp để phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời phê duyệt và triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018-2020; triển khai nhân rộng các mô hình đã được tổng kết và khẳng định có hiệu quả trong sản xuất và xây dựng, nhân rộng mô hình “nông nghiệp sinh thái”, “nông nghiệp đô thị”. Tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm giữa thành phố Hà nội với các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết 4 nhà để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; xây dựng quy định, tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và quy trình xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi.

Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành từ ngày 1/1/2018. Đồng thời tăng cường phát triển các vùng rau an toàn, mô hình sản xuất an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc gia cầm, sản xuất chế biến nông lâm sản, thủy sản; tổ chức hệ thống lấy mẫu giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm an toàn thực phẩm.

Với những đóng góp và thành tích đạt được của các tập thể, cá nhân trong ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tặng bằng khen cho 6 tập thể, 11 cá nhân; Chủ tịch UBND Thành phố tặng Cờ thi đua cho 6 tập thể; tặng bằng khen cho 27 tập thể và 44 cá nhân; tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua thành phố" cho 2 cá nhân...

Tú Mai

Top