Nghiêm cấm tái đàn khi dịch bệnh chưa được khống chế

14/08/2019 10:11 AM

(Chinhphu.vn) - Để tái đàn ổn định, hiệu quả trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các địa phương và hộ chăn nuôi cần thay đổi mô hình chăn nuôi phù hợp, theo quy hoạch, theo vùng, xã chăn nuôi trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư. Đồng thời nghiêm cấm tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi khi trong thời gian dịch bệnh chưa được khống chế theo quy định.

Chăn nuôi lợn tại huyện Chương Mỹ - Ảnh: Thiện Tâm

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thông tin từ đầu tháng 7/2019 đến nay, diễn biến bệnh Dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) có xu hướng giảm nhiều so với đầu vụ dịch do các cấp chính quyền đã quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch. Mật độ chăn nuôi, nhất là ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm do lợn bệnh phải tiêu hủy nhiều (khoảng 35% số hộ, 26 % tổng đàn). Giá lợn hơi tăng nên người chăn nuôi rất tích cực áp dụng các biện pháp phòng dịch để chăn nuôi có hiệu quả.

Tuy nhiên diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường, nhất là vào dịp cuối năm lưu lượng vận chuyển lưu thông lớn, thời tiết khí hậu biến đổi bất thường, nhiều khả năng bệnh DTLCP tiếp tục bùng phát.

Bên cạnh đó nguy cơ phát sinh một số bệnh truyền nhiễm khác là rất cao như: Tai xanh, lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả cổ điển …).

Hiện nay Bộ NN&PTNT, UBND Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có nội dung trọng tâm về việc tái đàn lợn để phát triển chăn nuôi lợn ổn định, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. 

Vì vậy, việc tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất cần lựa chọn thay đổi mô hình chăn nuôi phù hợp, theo quy hoạch, theo vùng, xã chăn nuôi trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư, chăn nuôi công nghệ cao, theo hướng an toàn sinh học, chuỗi khép kín, an toàn thực phẩm.

Đồng thời không tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh DTLCP khi trong thời gian dịch bệnh chưa được khống chế theo quy định. Nếu các cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật và khi xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy lợn không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh; có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi…). Nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8-1m) để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau. Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Đối với lợn nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy kiểm dịch của cơ quan thú y, trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần. Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Đồng thời nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho lợn.

Hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi. Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng. Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào khu chăn nuôi, chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hàng ngày, cần thay đổi các loại chất sát trùng để tăng hiệu quả sát trùng. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần.Trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý, không để các phương tiện (như xe máy, xe đạp, xe đẩy, xe thồ…) trong khu chuồng nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được khử trùng, tiêu độc. Đặc biệt, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển.

Các địa phương và các hộ chăn nuôi cần có quy trình phòng bệnh phù hợp từng loại lợn và thực hiện đúng quy trình. Trường hợp có dịch, phải khai báo chính quyền địa phương và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về phòng, chống dịch. Cách ly lợn ốm để có biện pháp xử lý kịp thời, ngừng xuất lợn giống và kiểm soát chặt việc xuất sản phẩm, vật tư trong khu chăn nuôi lợn ra ngoài theo quy định. Khi xảy ra dịch tại ô chuồng hay cả chuồng cần tiêu độc, khử trùng tại chỗ.

Thiện Tâm

Top