Người cựu chiến binh với tấm lòng nhân ái

17/02/2018 8:37 AM

(Chinhphu.vn) – Giữa cuộc sống hối hả của phố thị, có một người cựu chiến binh vẫn hằng ngày lặng lẽ thực hiện những dự án từ thiện nhân đạo của mình. Hơn 70 tuổi nhưng tháng nào ông Ngô Xuân Tự ở quận Long Biên, Hà Nội cũng tất bật với các công việc từ thiện của mình ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Ngô Xuân Tự đang dạy nghề cho các em có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: Diệu Anh

Vào một chiều Xuân của những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp tới thăm nhà ông Ngô Xuân Tự-một người cựu chiến binh đã có 30 năm vào sinh ra tử ở các chiến trường, một người đàn ông dù tóc đã điểm bạc nhưng vẫn giữ được dáng người chắc nịch, giọng nói hào sảng, đúng chất anh bộ đội cụ Hồ. Rót chén trà mời khách, ông kể cho chúng tôi nghe về công việc làm từ thiện của mình.

Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với “nghề” cưu mang, cựu chiến binh Ngô Xuân Tự cho biết, ngày từ chiến trường trở về, quê hương điêu tàn sau nhiều năm khói lửa chiến tranh, ra ngoài đường ông lại nhìn thấy rất nhiều cảnh đời éo le, đó là những em nhỏ từ các vùng quê lang thang lên Hà Nội kiếm ăn, những bà cụ già không nơi nương tựa…Từ đó, ông thầm nói với bản thân: “Mình phải làm một điều gì đó để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh này”.

Ông Tự hồi nhớ lần đầu tiên làm từ thiện là vào một buổi chiều cuối năm 1991, trong lúc đạp xe vào nội đô sắm Tết, tới Hồ Gươm, ông chứng kiến một nhóm thanh niên đang đánh đập thương tâm một cháu bé. Thấy chuyện bất bình, ông đến can ngăn và biết được cháu bé tên Nguyễn Văn Tuấn (12 tuổi), quê ở Hưng Châu, Hưng Nguyên, Nghệ An, do nhà nghèo đói nên phải ra Hà Nội kiếm sống. Chỉ vì 10.000 đồng nợ mà Tuấn bị đánh đập. Thấy vậy, ông “nhặt” cháu về nhà nuôi và cho đi học nghề sửa chữa xe máy. Giờ đây, Tuấn đã là chủ một doanh nghiệp tại Vũng Tàu.

Hay câu chuyện của cháu Nguyễn Văn Trường (Thụy Khuê, Tây Hồ) bị nghiện, gia đình tìm đến nhờ ông “cải tạo” giúp. Bây giờ, Trường đã trở thành người tốt, không những tu chí làm ăn, còn nhận dạy nghề sửa chữa xe máy. Rồi có những cháu nhảy xuống hồ tự tử, ông phát hiện, vớt về nuôi.

Những đứa cháu “lượm lặt” ấy, theo thời gian cứ nhân lên. Tiếng lành đồn xa, những người lang thang cơ nhỡ, khuyết tật tìm đến nhà ông ngày một đông. Nhà ông chật không đủ chỗ cho các cháu nằm, vậy là ông lại bỏ tiền ra xây phòng cho các cháu ở. Nhưng khi những đứa trẻ đã an cư, ông lại trăn trở làm sao để giúp các cháu sớm hòa nhập với xã hội và có cái nghề mai sau tự kiếm sống.

Đau đáu với suy nghĩ ấy, năm 2014, ông đã phải bán mảnh đất mà mình dành dụm được để mở một xưởng dạy nghề in cho các cháu. “Cứ 3 tháng, xưởng in lại đào tạo một khóa 60 cháu. Sau 3 năm mở xưởng, đến nay đã có hơn 700 cháu đã ra nghề và được nhận vào làm tại các công ty”, ông vui mừng kể lại.

Cho đến nay đã 26 năm, người thương binh hạng 2/4 ấy đã nuôi dưỡng và cưu mang cho gần 500 mảnh đời có số phận khác nhau. Những đứa trẻ ấy hằng ngày vẫn gọi là bác, là bố Tự đã trưởng thành khôn lớn, quay lại báo hiếu bố, cùng bố mang tấm lòng thơm thảo đi khắp mọi nơi bằng những đồng tiền hảo tâm do chính tay mình làm ra để tiếp tục cưu mang những mảnh đời bất hạnh.

Là Đại tá quân đội, về hưu năm 1995, dù nay đã hơn 70 tuổi, thế nhưng bàn tay và đôi chân của ông chưa từng biết mệt mỏi khi tìm đến giúp đỡ những hoàn cảnh éo le và khó khăn với hy vọng, giúp được ai hay đến đấy! Hễ nghe tin đâu đó có người khó khăn là ông sẵn sàng có mặt để giúp đỡ dù đó chỉ là thùng mì tôm hay vài cân gạo. Giờ đây, ông chỉ mong sao, mình luôn có đủ sức khỏe để làm được nhiều việc thiện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. “Còn một hơi thở… tôi còn làm từ thiện”, ông Tự nói.

Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, nhưng ông Tự vẫn luôn trăn trở khi có nhiều đồng đội của ông hy sinh chưa tìm thấy phần mộ, vẫn bơ vơ nơi đất khách quê người. Ðó cũng là lý do mà ông luôn muốn quy tụ đồng đội đã hy sinh được trở về với gia đình, mái nhà chung cùng anh em.

Ông luôn đau đáu công việc này đến nỗi cứ nhớ nơi nào mà đơn vị hành quân qua, ông lại rủ bạn bè cùng đi tìm khắp các chiến trường xưa trong cả nước, kể cả sang chiến trường ở Lào, Campuchia… Ông tâm sự, làm được nhiều việc có ích cho đồng đội, cho xã hội là ông cảm thấy rất vui, thanh thản.

Câu nói của ông vẫn vang bên tai chúng tôi: “Người khuyết tật hay những người đã từng lầm lỗi thì họ vẫn là con người, đừng khinh rẻ và hắt hủi họ. Sống thật với tâm mình để cho người khác học. Ta làm việc thiện ngày hôm nay thì ngày mai sẽ có người làm việc thiện lại với ta. Như vậy mọi người sẽ có một cuộc sống thanh thản, đầy ắp niềm vui”.

Diệu Anh

Top