Người dân cần thận trọng tái đàn trước giá lợn tăng cao

30/10/2019 11:30 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay giá lợn hơi tại thị trường Hà Nội giao động trong khoảng 60-65 nghìn đồng/kg. Vì vậy, khi giá lợn tăng cao trở lại nhiều hộ chăn nuôi có tâm lý muốn tái đàn để bù lỗ cho thời gian thiệt hại trước đó. Tuy nhiên, người dân cần thận trọng, nên áp dụng chăn nuôi sinh học và đề phòng nguy cơ dịch quay trở lại.

Người dân cần thận trọng trước khi tái đàn để tránh dịch quay trở lại. Ảnh: Thiện Tâm

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, thôn Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, do từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi, gia đình ông phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn hơn 21 nghìn con của trang trại. Vì vậy, khi thấy giá lợn tăng cao và đã qua thời gian cách ly để phun tiêu độc khử trùng theo đúng quy định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng đang cho tái đàn trở lại với mong muốn tranh thủ giá cao giảm bớt thiệt hại trong thời gian qua.

Theo bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, hiện nay, tuy dịch bệnh đã được khống chế, các ổ dịch không còn hiện tượng lây lan bùng phát nhưng các nhà quản lý cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên thận trọng, không tái đàn ồ ạt. Chỉ được tái đàn tại các cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học để giảm thiểu nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, đợt khủng hoảng dịch tả lợn Châu Phi vừa qua, chủ yếu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư chịu thiệt hại. Còn đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cũng như áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt thì cơ bản không bị ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Hiện các trang trại này cũng đang tập trung mở rộng quy mô đàn lợn để bù đắp nguồn cung thiếu hụt khi phải tiêu hủy lợn do dịch. 

Được biết, hiện nay số hộ chăn nuôi quy mô lớn, ngoài khu dân cư và đảm bảo chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng mới chỉ chiếm có 30% tổng đàn lợn. Vì vậy, hiện nay đối với cơ quan quản lý nhà nước cần phải từng bước hạn chế các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, đẩy mạnh phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư.

Đồng thời, khi số trang trại chăn nuôi quy mô lớn sản xuất theo chuỗi khép kín chiếm khoảng 60%-70% và số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn chiếm khoảng 30% thì mới có thể ổn định được ngành chăn nuôi của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Thiện Tâm

Top