Người dân ủng hộ yêu cầu đóng cửa các cơ sở dịch vụ không thiết yếu

27/03/2020 1:25 PM

(Chinhphu.vn) – Nhiều người dân cũng như người kinh doanh dịch vụ ở Thủ đô đều đồng tình và chấp hành yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch thành phố Hà Nội đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu để phòng chống dịch bệnh.

Ông Trần Tám (Tây Sơn, Hà Nội)

Một ngày sau khi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở dịch vụ không thiết yếu như quán cafe, cửa hàng quần áo thời trang, phòng tập, hàng quán dịch vụ ăn uống..., hầu hết những chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ được hỏi đều cho biết họ đã chuẩn bị đóng cửa, tạm dừng kinh doanh hoàn toàn cho đến ngày 5/4 theo yêu cầu của Thành phố.

Chị Hoàng Kim Nhung, chủ tiệm bánh mỳ 17A (số 22 Hàng Vải) cho biết, cửa hàng nhà chị bình thường bán cho hàng trăm khách nước ngoài và người Việt Nam, do dịch bệnh nên chị đã chuyển qua bán hàng online. Sau khi Chủ tịch Thành phố có yêu cầu tạm dừng hoạt động, Phường đã gửi giấy thông báo của Thành phố và vận động mọi người thực hiện. "Tối nay lực lượng chức năng đi từng nhà vận động nên tôi cũng sẽ nghỉ 10 ngày. Việc này tôi thấy cũng khó khăn cho công việc kinh doanh của mình nhưng nếu đó là yêu cầu của Chính phủ và Thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì tôi sẵn sàng thực hiện", chị Nhung nói.

Anh Vũ Anh Quân (Times City) cho biết, việc dừng hay đóng cửa các dịch vụ ăn uống gần như không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của anh và gia đình, vì anh không có thói quen ăn uống bên ngoài. Đồ thực phẩm đều được mua online trên “chợ facebook”. Gia đình làm việc một phần ở nhà nên tự nấu, tiện chăm con. Từ đầu mùa dịch bệnh anh đã hạn chế thăm nom bố mẹ, anh em để hạn chế thấp nhất sự lây lan dịch bệnh cho bố mẹ là những người cao tuổi có sức đề kháng kém. Theo anh Quân, “Ít họp hành cơ quan cũng tốt, chuyển sang trao đổi online kịp thời hơn và an toàn. Cơ quan áp dụng trực luân phiên để hạn chế tập trung đông người và dự phòng trong trường hợp cần có người thay. Nhìn chung tôi hoàn toàn ủng hộ việc hạn chế đi lại và đến nơi công cộng khi không thật sự cần thiết để phòng chống dịch bệnh”, anh Quân chia sẻ.

Chị Nguyễn Hà My (xã Hợp Tiến, Mỹ Đức) cho biết gia đình chị thực hiện chỉ đạo của UBND xã và huyện sẽ tạm thời đóng cửa hàng bán quần áo vì không phải thuê mặt bằng nên cũng không lo lắng. Về việc thưc hiện yêu cầu hạn chế đi ra ngoài chị nghĩ rằng 2 tuần ở trong nhà sẽ hạn chế nhiều thứ, không kiếm được nhiều tiền, ăn ít đi nhưng để đổi lại sẽ được bình an, không lo nguy cơ bị dịch bệnh”.

Chị Vương Ngọc

Theo chị Vương Ngọc, làm kinh doanh nhà hàng cho biết, chị có thói quen đến tiệm gội đầu bên ngoài và hay cùng gia đình, bạn bè ra ngoài cuối tuần đi ăn và uống cà phê, quy định đóng cửa các dịch vụ khiến việc kinh doanh của chị cũng như thói quen sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng. Nhưng vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, chị cho rằng việc đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu là cần thiết để bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người.

Ông Trần Tám (62 tuổi, đã nghỉ hưu, ở số 7, ngách 178/70 Tây Sơn, Hà Nội) cho rằng chống dịch phải hơn chống giặc. Vì đánh giặc còn có giờ nghỉ chứ chống dịch thì không được một phút chủ quan, lơ là virus lây truyền bệnh có ở khắp nơi. Tôi ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Thành phố vì đây là góp phần hạn chế việc tiếp xúc và lây lan dịch bệnh nhằm mang lại sức khỏe và sự bình an cho mọi người”.

Minh Anh (thực hiện)

Top