Người Hà Nội quây quần gói bánh chưng ngày Tết

13/02/2018 9:40 AM

(Chinhphu.vn)-Trong cuộc sống bộn bề, hiện đại ngày nay, nhiều phong tục truyền thống đã mai một, đồng thời cũng có nhiều dịch vụ, tiện ích ra đời. Nhưng ở Hà Nội, nhiều gia đình vẫn giữ nếp cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến là cả nhà quây quần gói và nấu bánh chưng. Đây cũng là cách gắn kết tình cảm gia đình, cũng như để con cháu hiểu hơn về phong vị Tết cổ truyền của cha ông.

Nguyên liệu để làm bánh chưng luôn luôn được chuẩn bị sẵn. Đó là lá dong xanh, lạt giang, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn
Nhiều gia đình, đàn ông trong nhà sẽ đảm nhiệm việc gói bánh, còn phụ nữ làm những công việc chuẩn bị như đi chợ sắm nguyên phụ liệu, rửa lá dong, đãi đỗ, ướp thịt lợn
Những chiếc bánh chưng xanh được gói vuông vắn. Thông thường, người ta sẽ xếp 2-3 lớp lá dong, đổ từng lớp gạo nếp, rồi đến đỗ xanh, trong cùng là thịt lợn, rồi lại lớp đỗ và lớp gạo đổ bên ngoài
Anh Hòa, một người Hà Nội, cho biết, Tết năm nào nhà anh cũng gói bánh chưng. Mẹ anh gần 80 tuổi nhưng với bà, gói bánh chưng bên cạnh việc cẩn trọng thắp hương tổ tiên ngày Tết, cũng là niềm vui mang lại cho con cháu
Có nhà, người ta còn thay gạo nếp trắng bằng nếp cẩm. Hương vị bánh chưng tuy khác loại gạo nhưng vẫn đậm chất bánh xưa
Anh Phi Hùng (nhà ở khu Kim Giang) cũng chỉ bảo cho con về ý nghĩa của phong tục gói bánh chưng ngày Tết
Dù nhà nhỏ, nhưng gia đình anh Hùng vẫn dành được khoảng không sân nhỏ để bắc gạch, đun củi nấu bánh chưng
Hình ảnh các con cháu nhà anh Hùng quây quần trông nồi bánh chưng ngày Tết
Ở nhiều khu đô thị mới, nhiều người tìm đến những khoảng sân mới, quây bạt và luộc những nồi bánh chưng thơm phức.

Phương Duy

Top